Dự kiến cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế dầu khí (PV Engineering), đơn vị duy nhất trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư và thiết kế các công trình dầu khí, sẽ chào sàn Hà Nội vào cuối tháng 12/2007.

Trước đó vào ngày 6/12, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã nhận được hồ sơ xin niêm yết cổ phiếu của PV Engineering.

Thành lập từ năm 1998, PV Engineering có vốn điều lệ 35 tỷ đồng, hiện có hơn 300 kỹ sư thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Trong gần 10 năm qua, PV Engineering đã được các hãng nổi tiếng trên thế giới trong ngành dầu khí đánh giá rất cao về trình độ, kinh nghiệm và chất lượng tư vấn đầu tư và thiết kế các gói thầu các dự án dầu khí.

Các hoạt động kinh doanh chính của PV Engineering bao gồm: tư vấn đầu tư thực hiện các dự án xây dựng trong và ngoài ngành dầu khí, khảo sát địa hình, địa chất và khảo sát biển, tư vấn, giám sát và thực hiện quản lý dự án các công trình xây dựng trong và ngoài ngành dầu khí...

PV Engineering đang thực hiện chiến lược trở thành một trong những nhà thầu đầu tư và thiết kế hàng đầu trong lĩnh vực dầu khí cũng như liên kết với các nhà thầu nước ngoài, mở rộng hoạt động sang các nước khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Hiện tại, PV Engineering đang thực hiện nhiều dự án lớn như dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của nhà thầu Technip Consortium cho gói thầu thi công lắp đặt đường ống và cơ khí trị giá 3.048.000 USD và gói xây lắp điện EL3 trị giá 1,1 triệu USD, gói xây dựng B2 trị giá gần 1,6 triệu USD.

Gần đây nhất, ngày 29/11/2007, PV Engineering đã ký kết hợp đồng EPC với Ban quản lý Dự án Khu Kinh tế Dung Quất trong gói thầu xây dựng nhà máy sản xuất Polypropylen giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổ hợp nhà thầu do Huyndai Engineering Co., LTD đứng đầu.

Tổng giá trị công việc do PV Engineering thực hiện ước tính khoảng 12 triệu USD. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 15 ha thuộc phía tây nam Khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất chế biến 150.000 tấn sản phẩm/năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2010.

Nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chủ yếu lấy từ nguồn propylen thuộc phân xưởng propylen (PRU) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy Polypropylene sẽ góp phần đảm bảo tính chủ động trong vận hành sản xuất cũng như tăng tỷ suất lợi nhuận của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

(Theo TBKTVN)