Năm 2007, thị trường chứng khoán biến đổi về chất
Mặc dù trồi sụt thất thường, thị trường chứng khoán năm 2007 được giới chuyên gia đánh giá là thành công. Phía các nhà đầu tư cũng nhìn nhận họ trưởng thành hơn và đầu tư chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những băn khoăn về tính minh bạch cũng như điều hành chính sách vĩ mô.
Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia, nhà đầu tư nhận định về thị trường chứng khoán trong một năm vừa qua.
Ông Bùi Ngọc Long, Giám đốc Marketing, Phòng Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán quốc tế Hoàng Gia (IRS): "Đột phá về số lượng nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài tham gia thị trường".
Tôi cho rằng 2007 là một năm phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán. Điều này thể hiện trước hết ở quy mô của thị trường. Mục tiêu của Nhà nước là tới năm 2010, vốn hóa của thị trường chứng khoán chiếm 35% GDP. Nhưng riêng năm nay, tổng giá trị vốn hóa của thị trường (cả hai sàn HOSE và HASTC, chưa tính trái phiếu) đã đạt trên 43% GDP.
Thị trường chứng khoán năm 2007 được giới chuyên gia đánh giá là thành công |
Nếu như năm ngoái, thị trường tăng trưởng nóng, giá các cổ phiếu tăng nhanh, chỉ số P/E quá cao thì năm nay, mặt bằng giá cổ phiếu đã trở về mức hợp lý. Điều này vô cùng quan trọng bởi nếu giá cứ tăng nóng, thị trường dễ rơi vào hiện tượng tăng trưởng bong bóng.
Sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường còn thể hiện ở con số hơn 330.000 tài khoản so với con số chỉ hơn 100.000 tài khoản năm ngoái. Điều này cho thấy sự quan tâm của công chúng đầu tư tới thị trường ngày càng lớn.
Cuối năm 2006, chỉ có khoảng 1.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài thì cả năm nay con số đã lên tới 7.000. Tổng số tiền mà khối ngoại bỏ vào thị trường là 3 tỷ USD, nhưng nếu tính cả một lượng tiền để dành cho các IPO "hàng khủng" thì vào khoảng 7-10 tỷ USD. Các nhà đầu tư ngoại gọi Việt Nam là "second China" ở châu Á và được đánh giá là một điểm sáng về đầu tư.
Tuy nhiên, thị trường vẫn phải đối mặt với những vấn đề về minh bạch hóa thông tin, việc xung đột lợi ích giữa cơ quan quản lý, tổ chức phát hành với nhà đầu tư thiểu số. Ngoài ra, năm 2007 cũng là một năm "bùng nổ" các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, và việc xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ - Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán: "Nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn"
Theo đánh giá của tôi, năm 2007, nhà đầu tư không còn tình trạng chạy theo phong trào, hay theo kiểu lướt sóng kiếm lợi nhanh chóng. Thay vào đó, họ đã có tính toán, xem xét năng lực tài chính của từng loại cổ phiếu và có sự phân tích, chọn lọc nên thị trường không có những đột biến về giá.
Điều mà nhà đầu tư lo lắng chính là chưa có một chính sách thật sự ổn định lâu dài, mặc dù khung pháp lý cho thị trường đã có nhiều cải thiện. Trong thực tế vận hành cũng còn nhiều điều bất cập, mà một trong số đó là tình trạng điều hành theo mệnh lệnh hành chính.
Khi chúng ta đã chấp nhận cơ chế thị trường, đặc biệt là đối với ngành chứng khoán còn quá non trẻ lại rất nhạy cảm cần phải để thị trường tự quyết định, các chính sách chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ. Có như thế, thị trường mới phát triển lành mạnh.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn: "Luồng vốn vào thị trường tăng mạnh"
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua có lúc thăng lúc trầm, chứ không tăng mạnh mẽ như năm ngoái. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng chung vẫn đạt khoảng 20%. Con số này không phải là nhỏ so với một thị trường còn non trẻ như Việt Nam.
Chính vì vậy tôi cho rằng, năm qua là một năm thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam. Luồng vốn đổ vào thị trường rất lớn, trong khi các công ty niêm yết trên thị trường hoạt động rất tốt.
Tuy nhiên, hiện tượng cung lớn hơn cầu cũng gây trở ngại rất lớn cho thị trường. Nếu như năm 2008 có cơ chế phù hợp để kích cầu thì chắc chắn thị trường sẽ phát triển tốt hơn.
Anh Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư sàn Habubank: "Nhận thức của nhà đầu tư đã thay đổi"
Diễn biến thị trường chứng khoán trong năm qua khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất ngờ và trở nên bị động trong nhiều tình huống. Khác với năm ngoái, năm nay nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thua lỗ.
Hồi đầu năm, khi thị trường tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều người tưởng sẽ giữ đà tăng như vậy trong cả năm nên quyết bám trụ. Khi thị trường đảo chiều và đi xuống nhanh chóng nên họ trở tay không kịp.
Gần như trong suốt cả năm, sự lên xuống đầy bất ngờ của thị trường khiến cả các phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản đều "bó tay". Điều đáng nói là ngay cả khi các doanh nghiệp niêm yết làm ăn tốt, các chỉ tiêu tài chính đều đạt vượt kế hoạch nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm.
Tuy nhiên, chính sự trồi sụt thất thường của thị trường đã làm cho nhà đầu tư trưởng thành hơn, đồng thời góp phần sàng lọc nhà đầu tư. Những người lên sàn chỉ để chụp giật hoặc với ảo vọng làm giàu nhanh chóng sẽ không còn chỗ đứng. Nhận thức của nhiều nhà đầu tư đã thay đổi rõ rệt, từ chỗ đầu cơ lướt sóng sang đầu tư lâu dài.
Bước sang năm 2008, chúng tôi kỳ vọng sẽ có sân chơi rộng rãi hơn, và hy vọng sẽ có nhiều cuộc đối thoại hơn nữa với các cơ quan quản lý để cùng giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn, cơ quan quản lý nên có sự sàng lọc, không nên để chuyện công ty nào xin lên sàn cũng cho.
(Theo VnExpress)
0 Responses to Năm 2007, thị trường chứng khoán biến đổi về chất
Something to say?