Cũng giống như phiên giao dịch đầu tiên năm 2007 trên sàn chứng khoán TP.HCM, chỉ số chứng khoán đại diện cho sàn giao dịch này - VN-Index đã mất điểm trong phiên giao dịch mở màn năm 2008; khối lượng giao dịch cũng đạt mức rất thấp.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 2/1, chỉ số VN-Index giảm 5,95 điểm (tương đương giảm 0,64%) xuống 921,07 điểm.

Trong số 139 cổ phiếu niêm yết trên sàn (thêm cổ phiếu L10 của Lilama 10 lên sàn hôm 25/12), có 30 mã tăng giá, 85 mã giảm giá, 23 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch. Trong 3 chứng chỉ quỹ có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM, BF1 đứng giá ở 10.500 đồng/ccq; MAFPF1 giảm 200 đồng xuống 10.000 đồng/cp; còn VF1 giảm 100 đồng xuống 27.400 đồng/ccq.

Khối lượng giao dịch toàn phiên chỉ đạt 4,7 triệu đơn vị, trị giá 444,9 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu mới lên sàn sáng 25/12 là L10 của Lilama 10 tăng kịch trần 2.500 đồng (tương đương tăng 4,5%) lên 58.500 đồng/cp với 80.150 cổ phần được chuyển nhượng.

tieugia.jpg

VN-Index đã mất điểm trong phiên giao dịch mở màn năm 2008. (Ảnh minh họa)

Trong top 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, có 4 mã cổ phiếu tăng giá và 3 mã đứng giá, còn lại giảm giá.

Cụ thể, cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường là STB của Ngân hàng Sacombank giảm 1.000 đồng (tương đương giảm 1,5%) xuống 64.500 đồng/cp; đại gia VNM của Vinamilk cũng giảm 1.000 đồng xuống 165.000 đồng/cp; đại gia FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT giảm mạnh hơn với 4.000 đồng xuống 219.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu lớn tăng giá bao gồm: PVD của Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí PV Drilling tăng 1.000 đồng lên 153.000 đồng/cp; VIC của Vincom tăng 2.000 đồng lên 157.000 đồng/cp; SJS của Sudico tăng 2.000 đồng lên 252.000 đồng/cp; và HPG Tập đoàn Hoà Phát tăng 500 đồng lên 95.500 đồng/cp.

Đại gia DPM của Đạm Phú Mỹ đứng giá ở mức 74.000 đồng/cp; PPC của Nhiệt điện Phả Lại đứng giá ở mức 59.500 đồng; và SSI của Chứng khoán Sài Gòn cũng trụ ở mức 168.000 đồng/cp.

Theo một đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán, sau một kỳ nghỉ tết dài ngày nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quay trở lại sàn giao dịch. Đây là nguyên nhân chính khiến khối lượng giao dịch chung trên toàn thị trường tụt giảm xuống mức thấp nhất tính từ ngày 23/8/2007 mặc dù từ thời điểm đó tới nay hàng loạt cổ phiếu mới lên sàn trong đó có những gương mặt rất lớn như Đạm Phú Mỹ, Chứng khoán Sài Gòn, Tập đoàn Hoà Phát…

Việc đa số các cổ phiếu giảm giá cho dù mặt bằng giá đang đứng ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua và thị trường sắp bước vào mùa công bố thông tin có thể còn do nhiều nhà đầu tư vẫn đang nghe ngóng xu hướng thị trường trong bối cảnh lượng cung hàng hoá tăng mạnh và lượng cầu chưa được cải thiện.

Dự báo trong thời gian tới, với việc các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán sẽ có những biện pháp để cân bằng cung cầu, cùng với việc các DN niêm yết công bố kết quả kinh doanh năm 2007 và kế hoạch phát triển trong năm 2008, thị trường chứng khoán tập trung sẽ hồi phục trở lại. Tuy nhiên, khả năng tăng mạnh có thể khó xảy ra khi mà lượng cung được dự báo còn tăng mạnh trong năm 2008.

(Theo VietnamNet)