Tuần qua, chứng khoán toàn cầu trải qua những phiên giao dịch nhiều kịch tính, khi nền kinh tế Mỹ giằng co giữa đà suy thoái và nỗ lực cứu nguy của chính phủ nước này.

ckthegioi.jpg
Khuôn mặt đăm chiêu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben S. Bernanke trên màn hình tại một sàn giao dịch ở Chicago (Mỹ) - (Ảnh: Bloomberg)
Thị trường Mỹ trồi sụt

Sau hai ngày tăng điểm cùng sự dẫn dắt của các cổ phiếu tài chính, chứng khoán Mỹ lại sụt giảm trong phiên giao dịch cuối tuần với lo ngại các ngân hàng sẽ phải gánh thêm nhiều tổn thất từ thị trường tín dụng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không cắt thêm lãi suất đủ để thúc đẩy tăng trưởng.

S&P 500 giảm 21,46 điểm xuống mức 1.330,61 điểm. Dow Jones mất 171,44 điểm (1,4%), chỉ còn 12.207,17. Nasdaq trượt 34,72 (1,5%) chỉ còn 2.326,2. Tuy nhiên, 5 ngày giao dịch vừa qua là tuần đầu tiên hai chỉ số này tăng điểm.

Tính cả tuần S&P 500 đã thêm được 0,4%, cắt giảm con số tổn thất trong năm 2008 xuống 9,4%. Dow cũng thêm được 0,9% và đã giảm tổng cộng 8% trong năm nay.

Các công ty tài chính trong S&P 500 mất “cả cụm” 2,5% và là nhóm ngành sụt giảm nhiều nhất trong chỉ số này.

Ngày 25/1, Societe General SA công bố thua lỗ 7,2 tỷ USD vì những giao dịch gian lận. Điều này “thổi” thêm sự nghi ngờ, các định chế tài chính sẽ phải đương đầu với những khoản lỗ lớn hơn sau khi các ngân hàng đã phải chôn vùi 133 tỷ USD từ đống đổ nát của tín dụng thế chấp ở Mỹ năm ngoái.

Nhiều chuyên gia dự đoán các công ty tài chính sẽ tiếp tục “lôi” những thành viên trong S&P 500 vào mùa doanh thu tồi tệ nhất kể từ năm 2001. Theo nghiên cứu của Bloomberg vừa được công bố doanh thu của chỉ số này trong quý 4 đã giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 22/1, sau một cuộc họp bất thường, FED đã cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây là lần đầu tiên FED cắt giảm lãi suất khẩn cấp kể từ năm 2001 và là mức cắt giảm lớn nhất kể từ khi FED bắt đầu sử dụng lãi suất làm công cụ chính sách tiền tệ chính vào năm 1990.

Microsoft mất 31 cents, chỉ còn 32,94 USD sau khi đã tăng đến 5,3% trong phiên giao dịch trước đấy. Công ty phần mềm lớn nhất thế giới này cho biết lợi nhuận bình quân một cổ phiếu trong năm tài chính (tính đến ngày 30/6) sẽ là 1,85-1,88 USD/cổ phiếu, doanh thu bán hàng đạt 59,9-60,5 tỷ USD trong khi con số ước tính của các nhà phân tích lần lượt là 1,81 USD/cổ phiếu và 59,4 tỷ USD.

Caterpillar thêm được 68 cents lên mức 65,93 USD. Công ty này đã cho biết doanh thu bán hàng ở châu Âu và châu Á tăng tốt, bù đắp sự sụt giảm về nhu cầu xây dựng và khai khoáng ở Mỹ. Lợi nhuận đã tăng 975 triệu USD, tương đương 1,5 USD/cổ phiếu, con số của năm trước là 1,32 USD/cổ phiếu và vượt mức ước đoán của các nhà phân tích 1 cent.

Russell 2000, một thước đo cho các công ty tầm trung với giá trị thị trường trung bình 521,3 triệu USD, giảm 0,6% xuống mức 688,6 điểm. Dow Jones Wilshire 5000, thước đo rộng nhất của các cổ phiếu Mỹ mất 1,4% chỉ còn 13.423,62. Giá trị các cổ phiếu giảm 231 tỷ USD.

Chứng khoán châu Á lạc quan

Hai phiên đầu tuần chứng kiến sự hoảng loạn trên thị trường châu Á khi tất cả các hàn thử biểu đều “khoác chung lớp áo đỏ”. Sự phấn khích trở lại với thị trường này sau quyết định mang tính lịch sử của FED được đưa ra ngày 22/1. Và các thị trường này kết thúc một tuần khá lạc quan.

Chứng khoán châu Á tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, các hàn thử biểu khu vực giành được chiến thắng to lớn nhất trong gần một thập kỷ qua, sau khi nền kinh tế Hàn Quốc lớn mạnh nhanh hơn dự đoán và Mỹ tiến gần hơn đến quá trình phê chuẩn việc hoàn thuế.

Tuần này, chỉ số MSCI-châu Á - Thái Bình Dương mất 0,7% mặc dù đã tăng được 10% trong ba ngày phục hồi sau quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp của FED. Tối ngày 25/1, tại Tokyo, chỉ số MSCI châu Á leo thêm 4,5% lên mức 145,73 điểm, đây là kết quả giao dịch tốt đẹp nhất kể từ 16/10/1998, và tiếp tục bổ sung vào 5,6% tăng trưởng trong hai ngày trước.

Hang Seng của Hồng Kông thêm 6,7%, tăng điểm mạnh nhất trong khu vực. Nikkei 225 của Nhật thêm 4,1% lên mức 13.629.16, bước tiến lớn nhất của chỉ số này kể từ 3/2002. Kospi của Hàn Quốc tiếp tục leo thang ngày thứ ba. S&P/ASX 200 của Australia lên điểm mạnh nhất trong một thập kỷ. Chỉ số chứng khoán của Philippines cũng tăng trưởng tốt sau khi trung tâm dịch vụ của Moody nâng định mức nợ của nước này lên mức tích cực. Các hàn thử biểu khác của khu vực châu Á đều tăng điểm.

Tại Hồng Kông, HSBC, ngân hàng số 1 châu Âu tính theo giá trị thị trường thêm 4,4% lên mức 120,50 HK$. Macquarie Group Ltd., CTchứng khoán lớn nhất nước Australia nhảy vọt 7,8% lên mức 69,02A$. Mizuho Financial Group Inc., ngân hàng niêm yết lớn thứ ba ở Nhật cũng nhảy vọt 11%, đạt 509.000 Yên.

(Theo TBKTVN)