Đầu tư vào cổ phiếu "dựa hơi" bất động sản: Coi chừng trái đắng !
Mặc dù thị trường chứng khoán đang ế ẩm, vẫn có vài cổ phiếu bất động sản bứt phá và thu hút nhà đầu tư nhờ những dự án hấp dẫn. Tuy nhiên, không ít người mất tiền tỉ từ các dự án này .
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đều săn cổ phiếu bất động sản (BĐS) vì cho rằng thị trường BĐS đang được xem là lĩnh vực kinh doanh béo bở. Không nằm ngoài xu thế đó, nhiều doanh nghiệp cấp tập nhảy vào thị trường này hòng tìm cách thu hút nhà đầu tư.
"Xoay chuyển càn khôn" nhờ dự án BĐS
Hàng loạt dự án BĐS trị giá cả “tỉ đô” được nhiều công ty cổ phần niêm yết hay sàn OTC công bố, không ít công ty đã thành công nhờ sự “rẽ ngang” này. Công ty Cổ phần Sông Đà 9.06 (S96) mới lên sàn HaSTC (9/1) với giá 70.700 đồng/cổ phiếu, nay đã tăng vọt lên 97.000 đồng/cổ phiếu. Khi thị trường đang tuột dốc, cổ phiếu S96 vẫn được nhà đầu tư quan tâm với khối lượng giao dịch lên gần 100.000 cổ phiếu (ngày 25/1) từ việc S96 công bố lợi nhuận sau thuế của năm 2008 sẽ đạt 80 tỉ đồng trên vốn điều lệ là 25 tỉ đồng; triển khai dự án khu đô thị Tân Tạo, khu đô thị 100 ha tại tỉnh Hà Tây, chung cư 100B Hoàng Quốc Việt (Hà Nội)...
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đạt lợi nhuận trong năm 2007 là 804 tỉ đồng trên vốn điều lệ 1.037 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng lợi nhuận năm 2008 của HAGL sẽ lên tới 2.500 tỉ đồng nhờ nguồn thu từ các dự án BĐS “nổi cộm” như: dự án khu căn hộ cao cấp Trần Xuân Soạn (TPHCM), dự án New Saigon ở Q.7, dự án Phú Hoàng Anh với 4.000 căn hộ, khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh River View (16.230 m2)... Do đó, cổ phiếu HAGL trên thị trường OTC vẫn đứng ở mức cao là 200.000 đồng/cổ phiếu.
Rủi ro tìm ẩn
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu BĐS ngậm phải trái đắng. Nhà đầu tư Nguyễn Vĩnh Tường cho biết: “Lần đó, REE có thế mạnh về BĐS và tài chính với nhiều dự án hấp dẫn nên tôi quyết chí ôm 10.000 cổ phiếu với giá 173.000 đồng/cổ phiếu”. Đến nay, giá cổ phiếu REE rớt xuống còn 116.000 đồng. Cứ theo đà này, tính sơ tôi cũng mất đứt gần tỉ đồng tiền vốn”.
Chị Mỹ Phượng nhà ở Q.3 tiết lộ: Trước thông tin đầu quý I/2008, Công ty Cổ phần Văn hóa Tân Bình (ALT) sẽ đầu tư xây dựng các dự án bệnh viện, trường học, văn phòng cao ốc tại TPHCM, chị đã mua gần 4.000 cổ phiếu ALT với giá cao. Thị trường chứng khoán sụt giảm, chị mất gần 500 triệu đồng.
Theo Ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, “nếu nhà đầu tư không quan tâm đến hoạt động sinh lời của công ty đó mà chỉ dựa hơi vào BĐS để đầu tư thì nhà đầu tư sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro. Rủi ro vì dự án đưa ra sẽ mất một thời gian khá dài mới có thể hoàn tất, nếu hoạt động kinh doanh của công ty đó không mấy khả quan thì trong thời gian chờ tiến hành xây dựng dự án BĐS thành công để sinh lợi, nhà đầu tư đã phải chịu thiệt rồi”.
Khi BĐS ấm trở lại, nhiều nhà đầu tư chợt nhận ra giá trị hữu hình dôi dư của DN và nghĩ rằng cổ phiếu nào được chống lưng bằng BĐS sẽ có cơ hội hơn vì nó đang có P/E cao nhất thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn nếu chỉ “dựa hơi” đất như thế, vì bản thân địa ốc không tự sinh lời, chỉ người làm chủ nó có khiến nó sinh lợi hay không mới là quan trọng. Tiến sĩ Trịnh An Huy (Chủ tịch CLB các nhà đầu tư chứng khoán (CSI)) |
(Theo VnMedia)
0 Responses to Đầu tư vào cổ phiếu "dựa hơi" bất động sản: Coi chừng trái đắng !
Something to say?