Chứng khoán Mỹ giảm mạnh ngay trước ngày báo cáo của Chính phủ về thị trường lao động được công bố. Tại châu Âu, việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Anh hạ lãi suất đồng euro và bảng là không đủ để tránh cho các thị trường lớn một phiên giảm.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 2,51% xuống còn 8.376,24 điểm. Chỉ số Nasdaq đóng cửa tại 1.445,56 điểm, thấp hơn tham chiếu 3,14%. Chỉ số Standard & Poor 500 bị trừ 2,93%, ngừng giao dịch ở mức 845,22 đỉểm.

Trong ngày hai ngày thứ năm và thứ sáu, giám đốc điều hành của ba nhà sản xuất xe hơi hàng đầu, General Motors (GM), Ford, và Chrysler, sẽ tường trình trước Thượng viện và Quốc hội để thuyết phục những người đứng đầu Chính phủ rót 34 tỷ đôla nhằm cứu các công ty trên khỏi nguy cơ phá sản. Số tiền trên là lớn hơn nhiều so với 25 tỷ đôla mà GM, Ford, và Chrysler yêu cầu trước đó.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước giờ G, khi bản báo cáo quan trọng của Chính phủ về thị trường lao động được công bố. Ảnh: cache.daylife.com.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm ngay trước khi bản báo cáo quan trọng của Chính phủ về thị trường lao động được công bố. Ảnh: cache.daylife.com.

Các hãng sẽ trình bày trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện vào thứ năm và trong ngày tiếp theo sẽ đến lượt Ủy ban Tài chính của Quốc hội.

Theo một số thông tin kinh tế mới công bố, đơn đặt hàng tháng 10 giảm 5,1%, tồi hơn mức dự kiến 4,5% của các nhà phân tích.

Wal-Mart không hổ danh là tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới khi doanh số tháng 11 của tiếp tục đứng đầu thị trường Mỹ. Doanh số của Wal-Mart tại các cửa hàng tiến thêm 3,4%, cao hơn chỉ tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, các tập nhà lẻ khác như Abercrombie & Fitch, Target, và NordStrom lại có kết quả thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ông Ben Bernanke nói rằng thị trường nhà đất là chìa khóa cho hồi phục kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng nhiều người phải cầm cố nhà đất để trả nợ như hiện nay.

Cùng ngày, các công ty AT&T, DuPont, và Credit Suisse tuyên bố sẽ cắt giảm 20 nghìn việc làm trong thời gian tới.

Ngày mai, thị trường Mỹ sẽ đón nhận bản báo cáo quan trọng của Chính phủ về thị trường lao động tháng vừa qua. Theo dự đoán, sau tháng 11 tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 6,5% của tháng 10 lên thành 6,8%. Ngoài ra, ước tính có khoảng 325 nghìn người thuộc khu vực phi nông nghiệp mất việc làm, con số tương tự của tháng 10 chỉ là 240 nghìn.

Theo ông Joseph Saluzzi, Lãnh đạo tại Themis Trading, cho biết do chưa chắc chắn về triển vọng của thị trường lao động cũng như tương lai của các nhà sản xuất ôtô, nhiều nhà đầu tư lựa chọn giải pháp an toàn là rút khỏi thị trường.

Ông Saluzzi nhận định, giá dầu xuống thấp nhất trong 4 năm và vàng cũng mất giá khiến nỗi lo suy thoái thêm trầm trọng. Nỗi lo này là tác nhân không nhỏ khiến giới đầu tư tiếp tục tăng bán.

Sau ngày hôm qua, dầu mất 3,12 đôla xuống còn 43,67 đôla một thùng, mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh vừa quyết định hạ lãi suất lần lượt 0,7% với đồng Euro và 1% với đồng bảng. Biện pháp trên được đưa ra với hy vọng có thể kéo Anh và các quốc gia thuộc EU khỏi khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, do tác động xấu từ phố Wall, các thị trường lớn tại lục địa già ngập trong sắc đỏ với mức giảm thấp hơn so với chứng khoán Mỹ. Chỉ số FTSE 100 của Anh xuống 0,15%. Chỉ số DAX của Đức sụt nhẹ 0,07%. Chỉ số CAC 40 của Pháp bị trừ 0,17%.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật xuống 1%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong bị trừ 0,58%. Chứng khoán Hàn Quốc cũng ghi nhận mức giảm 1,58% trên chỉ số KOSPI. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đóng cửa cao hơn phiên trước 1,84%.

Tính tới 9h45 sáng nay, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,68%, chỉ số Hang Seng tăng 2,29%, chỉ số KOSPI tiến thêm 1,83%, chỉ số Shanghai Composite đi lên 0,47%.

Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)