Nỗi lo của các nhà đầu tư cuối cùng cũng thành hiện thực. Mức 300 điểm của Vn-Index, giá trị mà chỉ một năm trước còn được coi là bất khả xâm phạm, thì nay đã sụp đổ trước đà bán tháo của các nhà đầu tư.

Chứng khoán Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phập phù của mình thời gian gần đây trong phiên giao dịch sáng nay. Những tưởng phiên tăng vào hôm qua sẽ là động lực để chứng khoán đi lên, tuy nhiên ngay sau giờ mở cửa xu hướng xuống lại được xác lập trở lại. Phần phần lớn các cổ phiếu cả penny-chip lẫn blue-chip đồng loạt giảm giá.

Vn-Index giảm 4,77 điểm, tương đương 1,54% xuống còn 303,83 điểm. Lượng cổ phiếu sang tên trong đợt một vẻn vẹn 886 nghìn cổ phiếu, giá trị 20,6 tỷ đồng. Đây cũng là khối lượng giao dịch trong đợt một thấp nhất kể từ 23/7 tới nay.

Giá trị của Vn-Index tới thời điểm này chỉ còn cách ngưỡng tâm lý 300 điểm hơn 3 điểm. Khoảng cách mong manh trên đã tạo sự e ngại cho bên mua và hoảng sợ cho bên bán. Tâm trạng trên đã đeo đẳng các nhà đầu tư trong suốt những phút giao dịch tiếp theo, từ đó khiến chỉ số chính ngày càng rơi sâu hơn.

Sau gần một năm giao dịch, hàn thử biểu của chứng khoán Việt Nam đã rơi xuống dưới ngưỡng 300, mất gần 70% giá trị so với đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Cuối cùng, điều mà tất cả các nhà đầu tư đều lo sợ đã trở thành hiện thực khi Vn-Index giảm mạnh và sụt xuống dưới 300 điểm vào 10h50. Đáng chú ý, ngay cả khi chỉ số chính xuống dưới ngưỡng chống đỡ trên, sức cầu vẫn yếu trong khi lực bán càng mạnh hơn. Điều này cho thấy đa số giới đầu tư vẫn dự đoán, chỉ số chính sẽ còn xuống sâu hơn nữa.

Kết thúc đợt hai, Vn-Index chốt tại 299,39 điểm, mất 9,21 điểm, tương ứng 2,98%. Tổng lượng cổ phiếu được khớp tính tới thời điểm này là 8,47 triệu, giá trị đạt 147,9 tỷ đồng.

Sau đợt khớp lệnh đóng cửa, giá trị của Vn-Index gần như không đổi. Chỉ số chính của HOSE ngừng giao dịch tại 299,68 điểm, thấp hơn tham chiếu 8,92 điểm, tương ứng 2,89%. Tổng khối lượng giao dịch báo giá đạt 10,24 triệu chứng khoán, giá trị 240,35 tỷ đồng. Lượng thực hiện qua giao dịch thoả thuận đạt 29 nghìn cổ phiếu, giá trị 2,17 tỷ đồng.

Toàn sàn có 19 mã tăng, 21 mã đứng giá, và 132 mã giảm giá. Đây là lần thứ 4 liên tiếp chỉ số chính quay đầu ngay sau khi tăng điểm.

Lượng mua bán của nhà đầu tư nước ngoài khá cân bằng. Kết thúc phiên, khối ngoại bán ra 1,06 triệu và mua vào 840 nghìn cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.

Như vậy kể từ mốc 921 điểm vào đầu năm 2008 tới nay, sau gần 1 năm giao dịch, hàn thử biểu đã mất tới 67% giá trị. Tuy nhiên, nếu xét theo từng mã cổ phiếu, tiêu biểu là các blue chip như SSI, FPT, REE hay STB, mức lỗ mà các nhà đầu tư phải chịu nếu ôm cổ phiếu sẽ còn lớn hơn.

Theo nhận định của ông Ngô Văn Minh, Chuyên gia Phân tích tại Công ty Chứng khoán ECC, thông tin Nhật Bản ngừng cho Việt Nam vay ưu đãi vì vụ PCI đang có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Ngoài ra, theo ông Minh, việc Ngân hàng Công thương (ViettinBank) quyết định IPO vào thời gian tới cũng gây bức xúc cho các nhà đầu tư. Lý do là thị trường OTC vốn đã thừa cung nay lại được bơm thêm tới 53,6 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 4% vốn điều lệ của ViettinBank. Ngoài ra, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức đều đang khá bi qua nên lần IPO này sẽ khó thành công.

Theo một chuyên gia khác, với xu hướng đi xuống cả về lượng giao dịch lẫn giá trị của Vn-Index, thị trường vẫn chưa bước vào giai đoạn tích lũy. Thế nên, trong ngắn hạn, chứng khoán có thể xác lập thêm những đáy mới.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index cũng có cùng tỷ lệ mất giá 2,89% như Vn-Index. Số điểm trừ của chỉ số này là 3,08 điểm xuống còn 103,54 điểm. Tổng số cổ phiếu trap tay đạt 6,43, giá trị 151,74 tỷ đồng.

Xuân Hòa-Vnexpress