Thị trường chứng khoán đang quay về giá trị thực
Giới chuyên gia cho rằng không nên quá bi quan về tình hình thị trường hiện nay, bởi nó đang quay về giá trị thực. Tuy nhiên, giai đoạn đi xuống vừa qua cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết trong chính sách cũng như quản lý.
Ngoài yếu tố khách quan đến từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, làm nên sự sụt giảm mạnh của chỉ số chứng khoán năm nay có yếu tố ảo của thị trường hai năm về trước. Vn-Index tăng 147% trong năm 2006 và tăng tới 47% chỉ trong hai tháng đầu năm ngoái. Số vốn đổ vào thị trường trong tháng 1/2007 gần gấp đôi so với tháng 12/2006 và gần bằng cả quý trước đó. Phiên giao dịch đầu tiên của năm Đinh Hợi (26/2/2007) được mô tả là vui như trảy hội. Vốn hóa thị trường của năm 2006 chiếm 22,7% GDP, đến 2007 lên tới 40% trong khi mục tiêu cho năm 2010 chỉ là 10%.
Nếu như hai năm 2006-2007, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bong bóng với tốc độ nhất nhì thế giới thì sang năm 2008 cũng đứng đầu về tốc độ suy giảm. Từ mức 30 tỷ USD vào đầu năm nay, đến đầu tháng 12, giá trị vốn hóa thị trường teo lại còn 13 tỷ USD, tương đương 17% GDP. Vn-Index mất gần 70% giá trị.
Nhà đầu tư cá nhân chịu nhiều thua thiệt khi tham gia thị trường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền, mọi người đã quá say sưa với sự khởi sắc của thị trường mà không nhận ra yếu tố ảo. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra, song không được quan tâm, thậm chí còn bị coi là những khuyến cáo ác ý. Tình trạng cho vay cầm cố quá mức, doanh nghiệp nhà nước đua đầu tư tài chính cũng như nhiều tiêu cực khác trong kinh doanh chứng khoán càng khiến thị trường sốt ảo, và dẫn tới sự rơi tự do của chỉ số chứng khoán ngày hôm nay.
"Việc để cho thị trường phát triển quá nóng một thời gian dài mà không có giải pháp cảnh báo và ngăn ngừa hữu hiệu là khiếm khuyết, có thể là cả thiếu kinh nghiệm của cơ quan quản lý", bà Hiền nói thêm.
Nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Dương Thu Hương cùng chung quan điểm này khi cho rằng quản lý thị trường đôi khi vẫn theo kiểu thích gì làm nấy, lúc cần thì không cho, lúc không cần lại cho, và khi cần ít thì cho nhiều, cần nhiều lại cho ít. Đặc biệt, việc kiểm soát dòng tiền đổ vào chứng khoán còn mang tính giật cục, từ chỗ ồ ạt cho vay khiến thị trường tăng nóng, bỗng chốc chuyển sang thắt chặt đột ngột. Trong khi đó, lượng hàng hóa trên thị trường chưa được điều hòa hiệu quả.
"Tuy nhiên, không nên bi quan về tình hình thị trường hiện nay. Nếu so sánh hiện nay với thời đỉnh cao, người ta có cảm giác thị trường đã sụp đổ. Nhưng thực tế là nó đang quay về giá trị thật, không còn yếu tố ảo", bà Hương nhấn mạnh.
Ông Vũ Đình Ánh, Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả cho rằng đây là cơ hội để nhìn nhận lại những khiếm khuyết và đề ra các giải pháp giúp thị trường phát triển bền vững. Trong bối cảnh thị trường đang xì hơi như hiện nay, cần tiếp tục cung cấp hàng tốt cho thị trường, Vn-Index sẽ được đẩy lên nhờ sự tăng giá của các sản phẩm hàng hóa tốt, nhà đầu tư cũng có cơ hội cơ cấu lại danh mục.
Thị trường Việt Nam có tới 90% là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. 10% còn lại là các ông lớn, với tiềm lực về vốn, thông tin, tính chuyên nghiệp nên thừa khả năng làm giá, thao túng thị trường. Vì thế, ông Ánh cho rằng, cần xóa bỏ sự bất bình đẳng về thông tin, tăng cường kiểm soát các định chế tham gia thị trường để họ không lạm dụng khả năng của mình. Bên cạnh đó, cần hình thành các quỹ đầu tư chứng khoán trong nước để các nhà đầu tư nhỏ lẻ gửi gắm vốn của mình.
Cuộc đua giảm lãi suất ngân hàng đang là cơ hội để hướng dòng tiền về với cho chứng khoán. Song ông Ánh cho rằng cần kiểm soát tốt để dòng vốn đi đúng hướng, tránh nguy cơ phát triển bong bóng.
Kỳ Duyên-Vnexpress
0 Responses to Thị trường chứng khoán đang quay về giá trị thực
Something to say?