Khởi sắc vào đầu giờ giao dịch nhưng thông tin bất lợi từ khối vận tải, ngân hàng và công nghệ đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra. Ba chỉ số chính của phố Wall từ đó cũng đều hụt hơi và giảm điểm vào cuối phiên.
Sau phiên 9/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,72% xuống còn 8.691,33 điểm. Chỉ số Nasdaq của các tập đoàn công nghệ kết thúc phiên tại 1.547,34, sụt giảm 1,55%. Chỉ số Standard & Poor 500 có giá trị 888,67 điểm, bị trừ 2,31%.
Tâm điểm của chứng khoán Mỹ trong phiên hôm qua tiếp tục hướng đến kế hoạch của Chính phủ nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất ôtô. Trước đó, thỏa thuận về một khoản vay được trông đợi sẽ thông qua vào đầu tuần. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ vẫn đang tranh cãi về vấn đề trên, vì vậy có thể Ford, Chrysler, và Genenral Motors (GM) sẽ phải chờ thêm 1-2 ngày nữa mới biết được quyết định liên quan tới số phận của mình.
Chứng khoán Mỹ sau khi tăng 20% trong hơn 2 tuần đã có một phiên điều chỉnh giảm vào hôm qua 9/12. Ảnh: Jamd. |
Tập đoàn giao nhận FedEX cho biết lợi nhuận năm 2009 sẽ thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Phát biểu trên cùng việc hai hãng tài chính Fitch và JPMorgan Chase cùng nhận định các tập đoàn vận tải sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2009 do suy thoái. Tuy nhiên, Fitch cũng cho rằng, vận tài đường sắt sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi suy thoái hơn so với các hình thức vận tải khác. Những nhận định trên khiến bộ chỉ số vận tải, thành phần của Dow Jones, xuống 5,6%.
Cùng ngày, Sony cho hay sẽ cắt giảm 8.000 lao động trên toàn cầu, điều chỉnh nằm trong kế hoạch cắt giảm 1,1 tỷ đôla chi phí. Ngoài ra, bốn công ty khác là Novellus, Danaher và Wyndham Hotel Group cũng sẽ giảm bớt tổng cộng 6.000 việc làm trong thời gian tới.
Một số tập đoàn công nghệ như Texas Instruments, Broadcom, National Semiconductor và Altera thông báo doanh số quý cuối năm 2008 sẽ khó đạt dự kiến do suy thoái.
Báo cáo từ thị trường nhà đất cho biết, doanh số bán nhà đang xây tuy giảm 0,7% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với dự đoán xuống 3% của giới phân tích.
Theo ông Ron Kiddoo, Giám đốc Đầu tư tại Cozad Asset Management, sau khi phố Wall tăng 21% chỉ sau hơn 2 tuần, nhà đầu tư cần có một phiên điều chỉnh giảm để quan sát và đánh giá lại thị trường.
Dầu giảm 1,64 đôla xuống còn 42,07 đôla một thùng.
Tại Nhật, sau khi GDP quý III/2008 vừa công bố giảm 1,8%, Chính phủ Nhật đã cam kết sẽ có những giải pháp để kích thích nền kinh tế. Phát biểu trên cùng sự hồi phục của nhóm cổ phiếu máy móc công nghiệp, xây dựng đã giúp chỉ số Nikkei 225 đi lên 0,8%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc chỉ nhỉnh hơn tham chiếu 0,07%. Trái lại chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc chứng kiến hai chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite đi xuống lần lượt 1,94% và 2,54%.
Không như diễn biến tại Mỹ và châu Á, thị trường châu Âu được hưởng niềm vui trọn vẹn khi cả ba chỉ số chính đều tiếp nối đà tăng điểm của phiên trước. Chỉ số FTSE 100 của Anh lên 1,34%. Chỉ số DAX của Đức được cộng 1,34%. Chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa cao hơn tham chiếu 1,55%.
Tính tới 9h30 sáng 10/12, chỉ số Nikkei 225 lên 1,14%, chỉ số Hang Seng lên 2,38%, chỉ số Shanghai Composite lên 0,56%, chỉ số KOSPI được cộng thêm 2,28%.
Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)
0 Responses to Chứng khoán Mỹ đuối sức
Something to say?