Tin xấu từ tập đoàn tài chính Morgan Standley và nhà sản xuất xe hơi Chrysler làm u ám sàn giao dịch New York. Kết thúc phiên 17/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones xuống 1,12%, đóng cửa tại 8.824,34 điểm.
Chỉ số Nasdaq của các tập đoàn công nghệ hàng đầu hiện có giá trị 1.579,31 điểm, giảm 0,67%. Chỉ số Standard & Poor 500 chốt ở mức 904,42 điểm, thấp hơn tham chiếu 0,96%.
Khối tài chính bị giáng một đòn nặng trước thông tin ngân hàng đầu tư lớn thứ hai nước Mỹ, Morgan Standley, báo lỗ tới 2,3 tỷ đôla cho quý IV, lớn hơn nhiều so với dự đoán 298 triệu đôla của các nhà phân tích. Đây tiếp tục là dấu hiệu cho thấy khối tài chính vẫn đang lao đao do khủng hoảng và thiệt hại mà các tập đoàn phải gánh chịu có thể lớn hơn nhiều so với dự tính của giới phân tích.
Theo các chuyên gia, nếu không được "lên gân" bởi quyết định cắt giảm lãi suất của FED vào phiên trước, thiệt hại mà nhà đầu tư tại phố Wall phải gánh chịu có thể sẽ còn lớn hơn nhiều. Hơn nữa, do quá quen với nhiều tin xấu, nhà đầu tư cũng không quá hoảng sợ để có thể dẫn đến một phiên giảm mạnh.
Nếu không có quyết định cắt giảm lãi suất của FED, báo cáo kinh doanh ảm đạm của Morgan Standley có thể khiến phố Wall thiệt hại nặng hơn nữa. Ảnh: static.guim.co.uk. |
Trước đó, một ngân hàng đầu tư khác là Goldman Sachs cũng báo lỗ 2,1 tỷ đôla trong quý IV. Đây là quý đầu tiên tập đoàn này thua lỗ kể từ khi IPO vào năm 1999.
Tập đoàn sản xuất xe hơi Chrysler thông báo sẽ ngừng hoàn toàn hoạt động sản xuất kể từ ngày 19/12. Hiện tại Chrysler, General Motors (GM), và Ford đang gặp khó khăn lớn trong kinh doanh do suy thoái kinh tế. RGM và Chrysler cho hay dự trữ tiền mặt sẽ cạn kiệt chỉ trong vài tuần tới. Cả ba hãng đang chờ Chính phủ thông qua kế hoạch bơm tiền để tránh nguy cơ phá sản.
Theo ông Ed Clissold, nhà phân tích tại Ned Davis Research, kiểu giao dịch phập phù như hôm qua bắt gặp khá nhiều trong thời gian gần đây.
Giá trái phiếu tăng mạnh trước tin FED và một số ngân hàng khác có thể tự mua lại các khoản nợ dài hạn của mình. Động thái này của Chính phủ được cho là sẽ hỗ trợ cho thị trường nhà đất đang suy yếu của Mỹ.
Tại châu Á, các thị trường cổ phiếu lớn đồng loạt lên điểm. Bất kể các nhà xuất khẩu hàng đầu giảm điểm do đồng đôla mất giá trước đồng yen, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tiến thêm được 0,5% với vai trò dẫn dắt thuộc về khối tài chính, ngân hàng.
Ngay sau khi FED cắt giảm lãi suất, Hong Kong cũng hạ lãi suất đồng đôla Hong Kong từ 1,5% xuống còn 0,5%. Thị trường chứng khoán nước này đã chào đón quyết định trên bằng một phiên tăng với mức đi lên 1,67% trên chỉ số Hang Seng. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc được cộng 0,71%. Chỉ số Shanghai Composite thay đổi không đáng kể khi chỉ nhích nhẹ 0,09%.
Khác với châu Á và Mỹ, thị trường cổ phiếu châu Âu có diễn biến trái chiều. Trong khi hai chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp giảm lần lượt 0,46% và 0,3%, FTSE của Anh lại tiến thêm 0,35%. Đáng chú ý, khối ngân hàng trên toàn châu Âu giảm điểm do những diễn biến mới liên quan tới vụ lừa đảo của Benard Madoff.
Tính tới 9h30 sáng 18/12, chỉ số Nikkei 225 lên 0,87%, Hang Seng giảm 0,32%, KOSPI tăng 1,24%, Shanghai Composite xuống 0,24%.
Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)
0 Responses to Chứng khoán Mỹ đi xuống do tin xấu từ ngành ngân hàng
Something to say?