Thị trường chứng khoán vẫn đang tìm 'điểm tựa'
Rất nhiều yếu tố được nêu ra, song sức khoẻ nội tại của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn sẽ là nhân tố quyết định thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Giá vốn, thành phần chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đang giảm khá mạnh. Cuộc chạy đua hạ lãi suất giữa các ngân hàng ngày càng nóng kể từ khi lãi suất cơ bản được giảm xuống 10%. Để thực hiện gói giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ, nhiều khả năng lãi suất cơ bản sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới.
Chỉ trong vòng 5 ngày đầu của tháng 12, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất đầu ra. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi chỉ ở mức 0,875% mỗi tháng, lãi suất cho vay thông thường là 1,04%. Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cam kết bán lại ngoại tệ cho Vietcombank thì lãi suất cho vay chỉ còn ở mức 0,42% mỗi tháng.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với tất cả khách hàng chỉ ở mức 10 - 11,5% mỗi năm. Trong đó, ưu tiên cung ứng lãi suất thấp cho khách hàng trực tiếp sản xuất ra sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế như năng lượng, xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, thuốc chữa bệnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các khoản vay tài trợ xuất khẩu, cho vay thu mua lúa gạo.
Không chỉ lãi suất ngân hàng, giá xăng dầu cũng được điều chỉnh hạ nhiều lần trong thời gian ngắn. Ngoài ra, nhiều nguyên liệu cơ bản đầu vào cũng giảm mạnh.
Ông Đinh Quang Nương, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Vincom cho rằng, phải mất ít nhất 4-6 tháng các yếu tố tích cực mới có thể "ngấm", giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình kinh doanh. Không phải hôm nay ngân hàng nói giảm lãi suất, ngày mai doanh nghiệp có thể ra vay được ngay với mức lãi suất đó. Việc lên kế hoạch, xin ý kiến cổ đông, làm thủ tục vay vốn và đầu tư số vốn vay để triển khai được kế hoạch đầu tư sản xuất - kinh doanh cũng mất đến vài ba tháng.
Ông Nương cho rằng, thị trường xuống mạnh như vừa qua là do nhà đầu tư bị yếu tố tâm lý chi phối rất lớn. Ngoài việc chịu tác động từ thị trường thế giới, họ còn lo lắng về kết quả kinh doanh quý IV của doanh nghiệp sắp được công bố. Với những yếu tố này, ông Nương đưa ra nhận định khá dè dặt: VN-Index sẽ dao động trong khoảng 280-320 điểm từ nay đến cuối năm.
Cùng chung quan điểm nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo tài chính, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán của SMES, cho biết thêm, những báo cáo từ doanh nghiệp mới là thông tin ban đầu. Nhà đầu tư quan tâm hơn đến báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, nhưng đến cuối quý I năm sau mới được công bố.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đã đỡ khó khăn hơn do các chi phí đầu vào đang giảm mạnh. Ông Đức cho rằng, có thể họ không giảm ngay được các chi phí do chưa kịp cơ cấu lại các khoản vay từ trước, nhưng ít nhất là không gia tăng chi phí nếu thực hiện đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh cũng như thực hiện các khoản vay mới. Ông Đức tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, thị trường có thể bật lại trong tuần này do chỉ số chứng khoán đã về sát mức hỗ trợ.
Một lãnh đạo công ty chứng khoán khác lại cho rằng, có 2 yếu tố chính tác động đến tâm lý nhà đầu tư lúc này. Một là việc áp dụng thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán. Hiện nay nhà đầu tư vẫn chưa biết có được giãn thuế hay không và nếu không thì có cách thu nào giảm thiểu thủ tục, đảm bảo chỉ khi nào có lợi nhuận mới phải nộp thuế? Trong lúc thị trường suy giảm mạnh, chủ trương thu thuế khiến họ có động cơ thoát nhanh khỏi thị trường.
Yếu tố thứ hai, sức cầu thị trường phụ thuộc vào các nguồn vốn của các quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân. Vị lãnh đạo cho biết, hiện có những quỹ đầu tư nắm giữ lượng tiền mặt lớn nhưng vẫn đang chờ cơ hội. Còn đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân, thông tin về thuế thu nhập chứng khoán rõ ràng hơn thì họ mới có quyết định đầu tư.
Thông thường, chi phí đầu vào giảm và nền kinh tế dần ổn định trở lại là điểm tựa cho thị trường hồi phục. Dù xu hướng thị trường vẫn là ẩn số khi khả năng đi xuống vẫn đang áp đảo, vẫn có không ít yếu tố hỗ trợ đi lên. Sức khoẻ nội tại của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ là nhân tố quyết định thị trường trong thời gian tới.
(Theo Đầu tư Chứng khoán)
0 Responses to Thị trường chứng khoán vẫn đang tìm 'điểm tựa'
Something to say?