Chứng khoán Mỹ và thế giới hồi phục vào hôm qua 16/12, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) cắt giảm lãi suất xuống gần 0%. Đà tăng của thị trường cũng được hỗ trợ đáng kể nhờ thông tin từ khối ngân hàng.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 4,2% lên thành 8.924,14 điểm. Chỉ số Nasdaq đóng cửa tại 1589,89 điểm, cao hơn tham chiếu 5,4%. Chỉ số Standard & Poor 500 kết thúc ngày giao dịch tại giá trị 913,18 điểm, đi lên 5,14%.

FED vừa quyết định cắt giảm trên 75 điểm phần trăm, từ đó đưa lãi suất từ 1% xuống dưới 0,25%, mức thấp nhất kể từ năm 1954. Phần lớn các nhà kinh tế trước đó đều dự đoán FED sẽ chỉ cắt giảm lãi suất xuống 0,5% hoặc cùng lắm là 0,25%. Chứng khoán Mỹ, sau khi tăng nhẹ vào đầu ngày giao dịch, đã bứt phá mạnh mẽ khi thông tin trên được đưa ra.

FED cũng đưa ra nhận định về triển vọng nền kinh tế, trong đó cơ quan này thừa nhận kinh tế Mỹ đang suy yếu do sự đi xuống của thị trường lao động, đầu tư và chi tiêu giảm sút. Tuy nhiên, áp lực lạm phát theo đó cũng đã giảm đi. Từ tháng 9/2007 đến nay, lãi suất đã nhiều lần được giảm nhằm ngăn chặn sự xuống dốc của nền kinh tế. Tuy nhiên, những điều chỉnh này không đủ để ngăn nước Mỹ rơi vào suy thoái.

Chứng khoán Mỹ bứt phá mạnh mẽ sau khi FED quyết định cắt giảm lãi suất. Ảnh:
Chứng khoán Mỹ bứt phá mạnh mẽ sau khi FED quyết định cắt giảm lãi suất. Ảnh:globalwestfinancial.com.

Ông Jack Ablin, Giám đốc Đầu tư tại Harris Private Bank, cho rằng FED đã hết "vũ khí", ngụ ý Ngân hàng Trung ương đã hết công cụ để can thiệp và điều chỉnh nền kinh tế. Theo ông Ablin, bên cạnh yếu tố tích cực về mặt cơ bản do việc cắt giảm lãi suất đem lại, nhà đầu tư còn cảm thấy yên tâm hơn khi FED cho thấy sẵn sàng làm mọi thứ có thể để chống lại giảm phát và suy thoái.

Cùng ngày, giám đốc các ngân hàng đã họp bàn về khả năng mua lại trái phiếu kho bạc, một giải pháp có thể giúp giảm bớt nợ thế chấp, từ đó giảm bớt sự "chảy máu" của thị trường nhà đất.

Goldman Sachs báo cáo lỗ trong quý vừa qua, lần đầu tiên sau gần một thập kỷ hoạt động kể từ khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng năm 1999. Ngân hàng đầu tư này lỗ 2,1 tỷ đôla trong 3 tháng tính tới cuối tháng 9, trong khi cùng kỳ năm ngoái tập đoàn này lãi tới 3,2 tỷ đôla. Tuy nhiên dù kết quả này là tệ hơn dự tính, cổ phiếu của Goldman Sachs vẫn lên 14%. Một số tập đoàn tài chính khác như Bank of America, Citigroup, và JP Morgan Chase cũng đi lên. Ngoài khối ngân hàng, cổ phiếu bán lẻ và xây dựng cùng đóng vai trò dẫn dắt trong xu hướng lên của phố Wall.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 1,7% trong tháng 11, trái với dự đoán giảm 1,3% của các chuyên gia. Trước đó, CPI đã giảm 1% trong tháng 10. Chỉ số CPI đã loại trừ giá năng lượng và lương thực, tăng 0,1%. Ngày mai, Chính phủ Mỹ có thể sẽ có những tuyên bố chính thức về kế hoạch hỗ trợ cho các tập đoàn sản xuất ôtô.

Tại châu Á, tâm trạng chờ đợi quyết định từ FED khiến mức tăng của các chỉ số chính khá khiêm tốn. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc được cộng 0,54%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tiến thêm 0,29%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đi lên 0,55%.

Việc đồng yen bất ngờ tăng giá mạnh so với đồng đôla đã có ảnh hưởng tiêu cực tới cổ phiếu của các nhà xuất khẩu. Từ đó khiến chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 1,12%.

Do khác biệt về múi giờ với chứng khoán châu Á, thị trường cổ phiếu châu Âu được lợi thế hơn về thông tin do sớm biết tin cắt giảm lãi suất từ bên kia bờ đại tây dương. Từ đó cả ba thị trường hàng đầu châu lục đều có một phiên xanh. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,74%. Chỉ số DAX của Đức đóng cửa cao hơn tham chiếu 1,74%. Chỉ số CAC 40 của Pháp leo thêm 2,07%.

Tính tới 10h sáng nay 17/12, chỉ số Nikkei tăng 1,06%, chỉ số Hang Seng tăng 2,51%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,88%, chỉ số KOSPI tăng 0,77%.

Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)