Chứng khoán Mỹ có bước tiến dài trong phiên giao dịch hôm qua, các chỉ số chính đều tăng trên 3%. Tuy nhiên, nỗ lực này không đủ bù đắp diễn biến xấu của cả tuần.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones lên 3,11% đóng cửa tại 8.637,09 điểm. Chỉ số Nasdaq leo thêm 4,41%, chốt tại mức 1.509,31 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 được cộng thêm 3,65%, kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 12 tại 876,07 điểm.

Thực tế, phiên tăng hôm qua không mấy dễ dàng với các nhà đầu tư, khi vào đầu giờ chiều chỉ số chính đống loạt lao dốc trước tin xấu từ thị trường lao động. Tuy nhiên, chứng khoán đã xóa hết số điểm trừ và khởi sắc trở lại vào cuối phiên.

Dù có phiên cuối tuần khả quan nhưng trong một tuần kể từ ngày 3/12, nhà đầu tư đã rút 12 tỷ đôla ra khỏi các quỹ tương hỗ. So với cuối tuần trước, các chỉ số chính Dow Jones, Nasdaq, và S&P 500 lùi bước lần lượt 2,17%, 1,71%, và 2,25%.

Tiếp tục vượt qua tin xấu để bứt lên, tuy nhiên thị trường lao động sụt giảm trầm trạng đang đặt ra dấu hỏi lớn cho triển vọng kinh tế Mỹ. Ảnh: gettyimages.com.

Theo Chính phủ Mỹ, trong tháng 11, có hơn nửa triệu người bị gạch tên khỏi bảng lương của các công ty. Lượng người thất nghiệp trong tháng 11 được cho là lớn nhất kể từ 1974 và thảm hại hơn nhiều so với con số rất "lạc quan" 325 nghìn được đưa ra bởi các nhà phân tích. Như vậy, chỉ trong 3 tháng, số người thất nghiệp đã vọt lên 1,3 triệu, con số mất việc trong ba tháng cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Tính chung từ đầu năm tới nay, lượng người Mỹ thất nghiệp lên tới 1,9 triệu, vượt quá cả lần suy thoái năm 2001.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp lên thành 6,7% thấp hơn chút ít so với dự đoán 6,8% của các chuyên gia, nhưng vẫn cao nhất trong 15 năm qua. Trước đó tỷ lệ của tháng 10 là 6,5%.

Ông Stephen Stanley, Nhà Kinh tế trưởng tại RBS Greenwich Capital, thốt lên: "Đúng là một bản báo cáo thảm họa". Thị trường lao động đang bị bào mòn với tốc độ nhanh nhất trong hàng thập kỷ qua". Ông dự đoán, tháng 12 và quý I/2009 tình hình việc làm sẽ vẫn nhức nhối.

Ông Keith Hall, Ủy viên tại Ủy ban Kinh tế chung, cho hay bản báo cáo về thị trường lao động trong tháng 11 là báo cáo tồi tệ nhất trong 124 năm tồn tại của Cục Thống kê Lao động.

Theo một số thông tin khác, con số kỷ lục 1,35 triệu ngôi nhà đã bị cầm cố để trả nợ trong quý III, cao hơn năm ngoái 76%. Genenral Motors, hãng đang cầu viện quốc hội hỗ trợ tài chính, tuyên bố sẽ cắt giảm 2.000 việc làm trong quý I/2009.

Gác sang một bên những tin kinh tế xấu, ngôi sao trong phiên hôm qua là cổ phiếu tài chính Hartford Financial Group. Chứng khoán của tập đoàn này đã tăng với tốc độ tên lửa 102% sau khi nhà bảo hiểm này nâng mức dự đoán lợi nhuận năm 2008. Hãng còn tự tin sẽ có đủ vốn để đứng vững ngay cả khi chứng khoán sụt giảm mạnh hơn nữa. Trước đó, cổ phiếu của hãng đã mất 92% kể từ đầu năm do nỗi lo thiếu tiền mặt.

Nhiều mã khác trong khối tài chính như American Express, Citigroup, Merrill Lynch, và JP Morgan Chase nhờ đó cũng đều khởi sắc.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật xuống nhẹ 0,08% với sự sụt giảm của cổ phiếu xuất khẩu như Toyota, Honda, hay Sony. Mức giảm tuần của chỉ số này là 6,9%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tiến thêm được 2,49%. Chốt tuần qua, hàn thử biểu của chứng khoán Hong Kong sụt nhẹ 0,03%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đóng cửa cao hơn tham chiếu 2,14%, nhưng lại xuống 4,4% sau một tuần giao dịch. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc được cộng thêm lần lượt 0,85% và 7,88% sau phiên hôm qua và cả tuần giao dịch.

Trái với diễn biến tại châu Á và phố Wall, cả ba chỉ số chính của thị trường châu Âu cùng đồng loạt lao dốc. Chỉ số FTSE 100 của Anh trượt dốc 2,74%. Chỉ số DAX của Đức lùi bước 4%. Chỉ số CAC 40 của Pháp bị trừ 5,84%. Sau năm phiên gần nhất, ba chỉ số trên đi xuống lần lượt 5,56%, 6,1%, và 8,41%.

Lý do cho phiên giảm mạnh trên là tin xấu về thị trường việc làm bên kia bờ Đại Tây Dương vừa được công bố. Bên cạnh đó, dầu tiếp tục mất giá cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các tập đoàn dầu khí, năng lượng tại lục địa già.

Xuân Hòa-Vnexpress