Chứng khoán Mỹ khép lại một tuần nhiều biến động bằng phiên tăng giảm xen lẫn của các chỉ số chính. Dow Jones giảm 0,3% xuống còn 8.579,11 điểm, trong khi Nasdaq được cộng 0,77% lên thành 1.564,32 điểm.

Standard & Poor 500 đóng cửa tại 887,88 điểm, cao hơn tham chiếu 0,29%. Tính chung trong cả tuần giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm khoảng 0,6%. Chỉ số Standard & Poor và chỉ số Nasdaq tiến thêm lần lượt 1% và 0,75%.

Trước giờ mở cửa thị trường, Tổng thống Bush tiết lộ chi tiết kế hoạch giải cứu General Motors (GM) và Chrysler thông qua việc sớm cho hai hãng vay 13,4 tỷ đôla.

Tuyên bố trên đã được thị trường chờ đợi suốt cả tuần qua. Tuy nhiên, triển vọng cho các nhà sản xuất ôtô sau khi thông tin trên được công bố vẫn rất ảm đạm. Ông Dave Rovelli, Giám đốc Giao dịch Chứng khoán tại Canaccord Adams, nhận định, kế hoạch hỗ trợ là tốt trong ngắn hạn nhưng ai cũng hiểu hoạt động của các nhà sản xuất ôtô sẽ tiếp tục đi xuống do doanh số yếu. Ông Rovelli còn nhấn mạnh, số tiền cần thiết để cứu ba hãng Ford, GM, và Chrysler có thể lên tới 150 tỷ đôla.

Tin xấu đến với khối tài chính khi tổ chức Xếp hạng Tín dụng Standard & Poor (S&P) vừa hạ điểm của 12 ngân hàng hàng đầu Mỹ và châu Âu trong đó có Citibank, Bank of America, và Goldman Sachs.

Đại diện của S&P nói rằng, nỗ lực giải cứu thị trường tài chính của Chính phủ là cần thiết, tuy nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Trong trung hạn, các ngân hàng nhiều khả năng có lợi nhuận thấp kèm theo lỗ do nợ xấu.

Ngoài ra, xu hướng dao động lên xuống khó lường của thị trường Mỹ trong hai phiên gần đây còn bắt nguồn từ việc các hợp đồng giao dịch chứng khoán phái sinh chọn mua và tương lai cùng đáo hạn vào thứ sáu. Thế nên, các nhà đầu tư tích cực mua bán để cơ cấu lại danh mục.

Tuần giao dịch vừa qua có nhiều sự kiện lớn có tác động tiêu cực lẫn tích cực đến kết quả giao dịch của phố Wall. Ba chỉ số chính khởi đầu tuần một cách khả quan nhờ Ngân hàng Trung ương (FED) hạ lãi suất. Mọi chuyện bắt đầu đi theo chiều hướng xấu khi vụ lừa đảo lớn chưa từng có của Madoff bị phanh phui.

Ảnh: blog.cleveland.com.
Nhà đầu tư tại thị trường Mỹ trải qua một tuần nhiều thông tin trái chiều, từ vụ lừa đảo Madoff, FED hạ lãi suất cho đến diễn biến của kế hoạch giải cứu các nhà sản xuất xe hơi. Ảnh : blog.cleveland.com.

Thế nhưng, phố Wall một lần nữa bật xanh trở lại khi Chính phủ tuyên bố mua lại các loại chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp bất động sản và có thể cả trái phiếu dài hạn. Động thái trên được trông đợi sẽ hỗ trợ nhiều cho thị trường bất động sản.

Xen giữa những sự kiện chính, việc Tập đoàn Tài chính Morgan Stanley báo lỗ quý 2,3 tỷ đôla và thông tin xoay quanh việc kế hoạch giải cứu ngành công nghiệp ôtô của Chính phủ chưa được thông qua cũng được giới đầu tư quan tâm.

Dầu thô ngọt nhẹ giao sau tháng 1 giảm 2,35 đôla xuống còn 33,87 đôla một thùng.

Tại châu Á, tâm điểm chú ý rơi vào Nhật Bản, nước có thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Ngân hàng Trung ương Nhật vừa hạ lãi suất cơ bản từ 0,3% xuống còn 0,1% nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính. Cùng ngày, Nhật tuyên bố sẽ mua vào tới 233 tỷ đôla trái phiếu do ngân hàng nắm giữ để hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng. Bất chấp tin tốt trên, chỉ số Nikkei 225 của nước này vẫn mất 0,91% do đà xuống dốc của cổ phiếu năng lượng. So với cuối tuần trước, chỉ số Nikkei 225 leo thêm 4,3%.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,14% trong phiên hôm qua và 3,28% sau cả tuần. Chỉ số Hang Seng của Chứng khoán Hong Kong dù mất 1,81% vào phiên thứ sáu nhưng vẫn cao hơn tuần trước 3%. Hòa chung xu hướng của giá cổ phiếu trong khu vực, chứng khoán Hàn Quốc chứng kiến chỉ số KOSPI nhảy 7% sau năm phiên liên tiếp, trong đó có mức điểm cộng 0,43% vào hôm qua.

Thị trường châu Âu có phiên cuối tuần không mấy suôn sẻ. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1%. Chỉ số DAX của Đức xuống 1,26%. Chỉ số CAC 40 của Pháp bị trừ 0,26%.

Sau tuần qua, ba chỉ số FTSE 100, DAX và CAC 40 tăng lần lượt 0,15%, 0,7%, và 0,38%.

Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)