Ngày 3/12, báo cáo từ thị trường lao động Mỹ cho thấy sự bi quan tại khu vực kinh tế tư nhân cũng như số việc làm dự kiến cắt giảm trong thời gian tới tăng vọt. Tuy nhiên, vượt qua gánh nặng tâm lý do tin xấu, phố Wall đã có phiên tăng thứ hai liên tiếp.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tiến thêm được 2%, lên mức 8.591,69 điểm. Chỉ số Nasdaq đóng cửa tại 1.492,38 điểm, cao hơn tham chiếu 2,94%. Chỉ số Standard & Poor 500 hiện có giá trị 870,74 điểm, tăng 2,58%.
Chứng khoán Mỹ dao động khá phập phù trong phần lớn thời gian của ngày giao dịch do tin bất lợi từ thị trường lao động và một số khu vực khác. Tuy nhiên trong 2 giờ cuối cùng trước khi thị trường đóng cửa, các chỉ số chính đã đồng loạt bứt phá để mang về cho phố Wall một phiên tăng.
Phố Wall tăng điểm nhưng nhà đầu tư khó có thể yên tâm khi các thông tin kinh tế mới công bố đều bất lợi. Ảnh: Publicradio.org. |
Theo báo cáo từ ADP, hãng chuyên xử lý thông tin về nhân lực và một số lĩnh vực khác, khối tư nhân đã cắt giảm tới 250 nghìn việc làm trong tháng 11. Số liệu trên là tệ hơn so với ước tính chỉ 205 nghìn của các nhà phân tích.
Ngoài ra, một cuộc khảo sát cho thấy, lượng việc làm dự kiến cắt giảm trong tháng 11 đạt kỷ lục trong 7 năm qua. Trong tháng 11, số người dự kiến mất việc trong thời gian tới vọt lên 182 nghìn, tăng 61% so với tháng 10, và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 148%.
Theo một báo cáo độc lập khác, hoạt động của khu vực dịch vụ suy giảm đáng kể trong tháng 11. Đây được cho là hệ quả tất yếu của sự sụt giảm giá, việc làm, và đơn đặt hàng.
Sản lượng phi nông nghiệp quý III tăng 1,3%, lớn hơn ước tính 0,9% của các chuyên gia nhưng lại đi xuống 3,6% so với quý II.
Chỉ số ngành dịch vụ giảm từ 44,4 điểm trong tháng 10 xuống còn đạt 37,3 điểm trong tháng 11, thấp hơn mức dự báo 42 điểm của giới phân tích. Chỉ số này nếu thấp hơn 50 điểm thì được coi là tăng trưởng âm.
Tập đoàn Research in Motion, nhà sản xuất điện thoại BlackBerry, cho hay lợi nhuận của hãng trong quý III có thể thấp hơn dự kiến do đồng đôla tăng giá ảnh hưởng tới doanh số tại thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ suy thoái cũng khiến hoạt động tại thị trường nội địa trở nên khó khăn.
Cổ phiếu của các nhà bán lẻ như Amazon.com, Home Deport, Target, Best Buy và một số tập đoàn tài chính như American Express, JP Morgan Chase, Bank of America, Citigroup đồng loạt khởi sắc.
Ngày thứ năm, doanh số tháng 11 bao gồm cả số liệu trong "ngày thứ sáu đen tối" và đợt nghỉ lễ cuối tuần từ chuỗi các cửa hàng lớn, sẽ được công bố. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đón nhận báo cáo về thị trường lao động và đơn đặt hàng của các nhà máy trong tháng vừa qua.
Ngày thứ sáu được dự kiến sẽ là một phiên thử lửa thực sự với chứng khoán Mỹ khi thống kê tháng về thị trường lao động sẽ được Chính phủ công bố.
Giá dầu giảm nhẹ 17 cent, xuống còn 46,79 đôla một thùng tại thị trường New York.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật đi lên 1,79%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đóng cửa cao hơn tham chiếu 1,36%. Chứng khoán Trung Quốc khởi sắc khá mạnh mẽ, khi chỉ số Shanghai Composite được cộng tới 4,01%. Trái lại, nhà đầu tư tại Hàn Quốc đã không được hưởng niềm vui tăng điểm khi chỉ số KOSPI của nước này giảm 0,05%.
Bắt nhịp đà tăng của phố Wall, thị trường châu Âu đồng loạt khởi sắc. Chỉ số FTSE 100 của Anh lên 1,14%. Chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp tăng lần lượt 0,78% và 0,44%.
Tính tới 10h sáng nay 4/12, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,62%, chỉ số Hang Seng lên 1,58%, chỉ số KOSPI giảm nhẹ 0,02%, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,93%.
Xuân Hòa-Vnexpress
0 Responses to Phố Wall đứng vững trước tin xấu từ thị trường lao động
Something to say?