Mới đây, nhà đầu tư sững sờ với thông tin công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) tạm hoãn thanh toán cổ tức đợt 1 bằng tiền, tỷ lệ 3%, vốn dự kiến sẽ chi cho cổ đông vào giữa cuối tháng 11.

Quyết định này được đưa ra khi công ty dự báo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2008 sẽ không đạt lợi nhuận đủ để chi trả cổ tức do biến động đồng USD đẩy chi phí tài chính xác định lại tỷ giá tăng lên.

Tính đến ngày 20/9, PPC còn khoản nợ gốc từ hợp đồng vay lại của EVN là 36,2 tỷ JPY. Theo giải trình phía công ty, từ thời điểm PPC chốt danh sách cổ đông, tỷ giá JPY do Ngân hàng Nhà nước công bố từ 154,69 VND ăn một JPY (30/9) đã leo lên 166,42 (19/11). Nếu mức 166,42 VND/JPY duy trì đến hết năm, công ty sẽ phải trích một khoản chi phí tài chính để xác định lại khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm, số tiền ước tính 872 tỷ đồng. Kết quả là sau khi trích vào chi phí tài chính trên, lợi nhuận còn lại chia cổ tức (228,5 tỷ đồng) bằng 0.

Nhà đầu tư khá bất ngờ với thông tin hoãn trả cổ tức của PPC. Ảnh: Đ.Q.

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM ngay sau đó đã có công văn cảnh cáo việc công bố thông tin không kịp thời của PPC. Theo HOSE, tại thời điểm lập Báo cáo tài chính quý III, công ty đã có thể dự báo cho nhà đầu tư biết chi phí tài chính về việc xác định lại tỷ giá là hơn 584 tỷ đồng. Thế nhưng, doanh nghiệp đã không công bố thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định của nhà đầu tư khi mua cổ phiếu PPC.

Nhà đầu tư Minh Duy, sàn Rồng Việt cho biết, PPC hoàn toàn có khả năng dự báo về mức chi phí đột biến này với vị thế quản trị của doanh nghiệp hàng đầu trong ngành điện ở Việt Nam. Nếu không có kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1, ngốn mức chi gần 100 tỷ đồng, có lẽ khoản lỗ tiềm ẩn về chênh lệch tỷ giá sẽ được giấu nhẹm, ít nhất là cho đến báo cáo kết quả quý IV.

Giao dịch mã PPC kể từ ngày công bố hoãn cổ tức, từ mức giá 23.000 (19/11) tuột dốc không phanh xuống 17.000 đồng trong phiên cuối tuần. Hiện PPC là 1 trong 10 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP HCM, nếu trên thế giới, sai số trong dự báo vào khoảng +,-10% thì tại Việt Nam con số này đội lên 80-90%. Hơn nữa, có nhiều biến số mới phát sinh, nhất là cuộc khủng hoảng tiền tệ trên thế giới càng khiến cho công tác dự báo biến động tỷ giá của Nhiệt điện Phả Lại cả một quý không chính xác. Dẫu vậy, động thái hoãn cổ tức vẫn ít nhiều tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Theo ông, đây chỉ là một trong những thông tin chi phối sức cầu PPC những ngày qua. Đây vẫn là mã hợp gu với giới lướt sóng khi tính theo giá trị sổ sách, giá cổ phiếu đã ở mức thấp.

Câu chuyện của công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Hà Nội (Hancic) cũng là thông tin gây "sốc" trên thị trường khi mức thanh toán lên đến 350% trên mệnh giá, tức mỗi cổ phần nhận 35.000 đồng. Tuy nhiên, cổ đông chỉ nhận bằng tiền mặt với tỷ lệ 100% (10.000 đồng), riêng 25.000 đồng, công ty sẽ vay lại. Quyết định này nhận nhiều ý kiến phản đối của cổ đông khi e ngại về nguồn vốn kinh doanh công ty trong thời gian tới. Mức chi trả sau đó điều chỉnh còn 100% trên mệnh giá. Trước đó, vào tháng 10, Hancic tạm ứng cổ tức đợt 1 là 200%.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp ngoài việc hoãn, thay đổi phương án cổ tức còn điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận khi tháng cuối cùng năm 2008 sắp qua đi.

Đó là trường hợp của công ty cổ phần Xây dựng Số 5 (SC5), do giá nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu, chi phí nhân công, lãi suất ngân hàng tăng cao. Cộng thêm khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay từ 87,2 tỷ đồng xuống còn 40,48 tỷ đồng.

Tình hình tương tự cũng xảy ra với công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vitacco (VTO), nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 12/11 đã điều chỉnh lợi nhuận còn 45 tỷ đồng thay vì mức dự kiến 97 tỷ đồng.

Bạch Hường-Vnexpress