Ngoại trừ phiên sụt giảm do kế hoạch 14 tỷ USD giải cứu công nghiệp ôtô bị từ chối, thì chứng khoán Mỹ đã có sự hồi phục khả quan, phần nào nhờ vào các báo cáo kinh tế vừa được công bố không tệ như dự kiến.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 13/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,75%, tương ứng với 64,59 điểm, lên mức 8.629,68 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 đóng cửa tại 879,73 điểm, cao hơn tham chiếu 0,7%, ứng với 6,14 điểm. So với hai chỉ số trên, mức tăng 2,18%, ngang với 32,84 điểm, của chỉ số công nghệ Nasdaq là ấn tượng hơn nhiều. Chỉ số này kết thúc tuần tại 1.540,72 điểm.

Sau 5 phiên, đã có những diễn biến trái chiều giữa các chỉ số chính của thị trường Mỹ. Chỉ số Nasdaq và Standard & Poor 500 tăng lần lượt 2,08% và 0,41%, trong khi Dow Jones lại sụt nhẹ 0,07%.

Trước phiên tăng hôm qua, phố Wall đã trải qua một ngày giảm điểm khá mạnh khi cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện cho kết quả không đồng thuận với kế hoạch giải cứu các nhà sản xuất ôtô. Cuộc đàm phàn vào đêm qua giữa Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ, Công đoàn ngành công nghiệp xe hơi, và ba hãng sản xuất ôtô là Ford, Chrysler và General Motors đã khép lại mà không đi tới một thỏa hiệp nào.

Kế hoạch giải cứu 3 nhà sản xuất xe hơi hàng đầu tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt khi thượng viện bác bỏ việc cho các công ty vay 14 tỷ đôla.
Ảnh: infiniteunknown.net.

Tuy nhiên, Nhà trắng vào hôm qua cho biết sẽ cân nhắc việc sử dụng nguồn 700 tỷ đôla, dùng để giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng và tập đoàn tài chính (TARP), vào việc giải cứu ba nhà sản xuất xe hơi hàng đầu.

Bộ Tài chính, cơ quan điều hành quỹ TARP, tuyên bố sẵn sàng dùng tiền như một giải pháp ngắn hạn cho đến khi Quốc hội có thể họp và đưa ra các giả pháp dài hạn hơn cho ngành công nghiệp xe hơi đang xuống dốc của nước Mỹ.

Bên cạnh thông tin hỗ trợ trên, phố Wall phiên cuối tuần còn tiếp nhận nhiều tin tức kinh tế quan trọng khác. Doanh số bán lẻ giảm 1,8% trong tháng 11, sau khi mất 2,9% vào tháng trước. Các nhà kinh tế dự báo doanh số bán lẻ sẽ giảm 2%. Doanh số bán lẻ, sau khi loại trừ những biến động của ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, đi xuống 1,6%, khả quan hơn dự đoán rơi 1,8% của các chuyên gia, và có một bước tiến khá lớn so với mức giảm 2,4% của tháng trước.

Chỉ số giá sản xuất (PPI), một thước đo lạm phát, tiếp tục lùi thêm 2,2% trong tháng 11 sau khi đã bị trừ 2,8% trong tháng 10. Các chuyên gia dự đoán, PPI giảm 2%. Chỉ số PPI lõi, đã loại trừ chi phí cho năng lượng và nhiên liệu, tăng 0,1%, đúng như dự đoán của giới phân tích.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Đại học Tổng hợp Michigan, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng vừa qua chuyển biến khá tích cực, tăng lên thành 55,3, cao hơn ngưỡng dự đoán 54,5 điểm. Chính phủ Mỹ cho biết thêm, dự trữ cho hoạt động kinh doanh giảm 0,6% trong tháng 10, trái với mức dự đoán giảm 0,2%.

Trong khi các tín hiệu vĩ mô đang xuất hiện những nét tích cực thì vẫn có những diễn biến bất lợi từ phía các công ty. Ngân hàng hàng đầu, Bank of America, thông báo sẽ cắt giảm 35 nghìn việc làm trong 3 năm tới. Lý do mà tập đoàn này đưa ra là việc sáp nhập Merrill Lynch đã khiến bộ máy nhân sự của hãng trở nên cồng kềnh, thêm vào đó kinh tế suy yếu cũng khiến cắt giảm chi phí trở nên cấp thiết.

Tại Sở Giao dịch New York, dầu giảm nhẹ 1,7 đôla, đứng ở mốc 46,28 đôla một thùng sau phiên vừa qua 12/12.

Trái với sự hồ hởi tại phố Wall, phiên cuối tuần tại thị trường châu Á và châu Âu lại diễn ra trong bầu không khí ảm đạm.

Hàng loạt chỉ số chính tại châu Á cùng lao dốc do thông tin bất lợi trước đó từ phố Wall vào phiên trước. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật sụt 5,56% trong đó cổ phiếu của các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất do đôla mất giá so với đồng yên. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong bị trừ 5,48%. Chỉ số Shanghai Composite của chứng khoán Trung Quốc hạ thấp 3,81%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đóng của dưới tham chiếu 4,28%.

Dẫu sao, so với tuần trước, phần lớn các chỉ số chính của thị trường châu Á đều có những bước tiến đáng kể. Nikkei 225 tăng 4%, Shanghai giảm 3,1%, chỉ số Hang Seng tăng 6,5%. Chỉ số KOSPI đương cộng 7,36%.

Tại châu Âu, cổ phiếu của khối ngân hàng và năng lượng sụt mạnh và là "thủ phạm" cho ngày giảm điểm cuối tuần. Chỉ số FTSE 100 của Anh trượt dốc 2,47%. Thị trường Pháp chứng kiến chỉ số CAC 40 của nước này giảm 2,8%. Chỉ số DAX của chứng khoán Đức rớt giá 2,18%.

Sau tuần qua, ba chỉ số FTSE, DAX và CAC 40 tăng lần lượt 5,7%, 6,4%, và 10,6%.

Xuân Hòa (Theo CNN & Reuters)