Với những con số liên quan đến phiên đấu giá của Vietcombank (VCB) mà Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa công bố thì đợt IPO lớn nhất trong lịch sử TTCK Việt Nam này đã không còn nóng như nhiều dự đoán trước đây.

Không chỉ vậy, nhiều ý kiến đang lo ngại IPO của VCB sẽ lặp lại “kịch bản” của Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt… trước đây…

Giá khó cao hơn 130.000 đồng/cổ phần

Theo HOSE thì chỉ có 9.473 nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước đăng ký đấu giá với số lượng tổng cộng 122.217.200 cổ phần, trong khi VCB đưa 97.500.000 cổ phần ra đấu.

Như vậy số NĐT tham gia chưa bằng một nửa so với phiên IPO của Bảo Việt (20.368) và chỉ có 252 nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cả tổ chức lẫn cá nhân đăng ký.

Nếu so với nhiều phiên IPO trước đây, khi mà NĐT lên đến hàng chục ngàn và số lượng đăng ký cao gấp 5-10 lần số cổ phần đưa ra đấu giá thì IPO của VCB là một bước lùi về số lượng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và NĐT có kinh nghiệm không xem đây là chuyện bất ngờ. Giám đốc một Cty chứng khoán (CTCK) lớn lý giải: “VCB tổ chức IPO vào đúng lúc thị trường đang sụt giảm, nguồn tiền cạn kiệt, cổ phiếu tung ra quá nhiều… nên không thu hút được nhiều NĐT như mong đợi.

vcb_hanhiet.jpg

VCB không quá “hoành tráng” như nhiều người tưởng

Trái với nhiều nhận định trước đây, các nhà ĐTNN cũng có vẻ không hào hứng lắm khi chỉ đăng ký mua hơn 40 triệu cổ phần (nhiều hơn 10 triệu cổ phần so với số được phép mua là 39,8 triệu).

Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam cho rằng nhà ĐTNN không dốc sức vào cuộc đua này do trên thị trường hiện có khá nhiều lựa chọn với triển vọng không kém gì VCB mà giá có khi hấp dẫn hơn.

Nhà đầu tư Lê Minh Chí (sàn ACBS TPHCM) tiết lộ lý do mình không đăng ký IPO VCB “một phần do bị ảnh hưởng của thông tin giá VCB sẽ cao, phần khác rút kinh nghiệm từ các đợt đấu giá Bảo Việt, Tài chính Dầu khí, Đạm Phú Mỹ…tôi mua lại của những người trúng giá hấp dẫn và dễ mua, nhiều mức giá để lựa chọn hơn”.

Do số lượng NĐT đăng ký ít và số cổ phần đặt mua chênh lệch không nhiều so với số bán ra, nhiều dự đoán giá trúng bình quân của VCB rất khó cao hơn 130.000-150.000đồng/ cổ phần. Theo Cty chứng khoán Rồng Việt, thì giá trúng bình quân của VCB vào khoảng 103.000-113.000 đồng là hợp lý. Trong khi đó một quỹ đầu tư nước ngoài dự đoán giá này sẽ vào khoảng 120.000 đồng.

Âu lo cho VCB nhưng đây lại là một tín hiệu đáng mừng cho TTCK VN. Với việc hơn sẽ có khoản tiền cọc khoảng 2.500 tỷ đồng sẽ được rút ra từ 25 triệu cổ phần mà NĐT không mua được, TTCK đang trông chờ khoản tiền này giải ngân vào các loại chứng khoán khác.

Nhiều NĐT “thua” từ IPO VCB cũng sẽ “yên tâm” quay lại sàn và lo ngại về việc số lượng lớn cổ phiếu bị bán tháo để mua VCB với giá cao đã dần bị xóa mờ.

“Bức tranh” về phiên IPO của VCB đang rõ dần và NĐT đã nhận ra nó không quá hoành tráng như lo ngại mấy tháng nay và khả năng nguồn vốn của NĐT trong và ngoài nước bị hút vào đây cũng nhỏ lại

Còn nhiều dự báo, đánh giá khác cũng ít có nơi nào đưa ra giá cao hơn 130.000 đồng/cổ phần. Giống như các đợt IPO của Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, các NĐT bắt đầu hiểu ngầm và đoán ra được mức giá nào là hợp lý.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam khẳng định sẽ không có chuyện NĐT nước ngoài bỏ giá cao để tranh mua vì “tỷ lệ chọi” không cao và vào thời điểm này giá của VCB khó có thể đẩy lên.

Trước đây đã từng có dự đoán giá trung bình quân lên đến 200.000 đồng/cổ phần dựa vào thương hiệu, tài sản quá lớn của VCB. Nhưng có nhiều đánh giá cho rằng cổ phần của ngân hàng lớn thứ nhì Việt Nam này không hấp dẫn như nhiều người tưởng.

Hậu IPO VCB …

Trong bản công bố thông tin mới đây, VCB dự kiến lợi nhuận sau thuế của năm 2007 là 1.854 tỷ đồng. Nếu so với vốn chủ sở hữu của VCB ngày 31/12/2006 là 11.127 tỷ đồng và vốn tự có của VCB năm 2007 là 12.981 tỷ đồng thì mức lợi nhuận không cao hơn nhiều ngân hàng thương mại cổ phần như ACB, Sacombank, Techcombank…

Lợi nhuận này cũng giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2007 và theo thông tin từ VCB thì 3 năm sau IPO, mức cổ tức, lợi nhuận của VCB cũng không hấp dẫn NĐT. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn với phần vốn Nhà nước trong VCB luôn chiếm trên 51% (giai đoạn 1 chỉ bán 30% vốn điều lệ vì lo ngại cách điều hành “bao cấp, quốc doanh” trong ngành nghề đòi hỏi luôn đổi mới, năng động này).

Bằng chứng rõ nhất là CB-CNV giỏi của VCB liên tục ra đi vì lương, đãi ngộ ở đây quá thấp so với ngân hàng khác. NĐT cũng đang lo ngại về việc liệu lợi nhuận trong những năm tiếp theo có “theo kịp”vốn chủ sở hữu sau cổ phần hóa hay không, nhất là khi mốc để các ngân hàng nước ngoài ào ạt vào Việt Nam ngày càng cận kề.

(Theo TienPhong)