Bên cạnh tin từ đợt đấu giá của Vietcombank (chốt vào 26/12), tuần tới có nhiều hy vọng về sự khởi sắc của thị trường. Theo nhận định của JP Morgan, thị trường giờ đây đã rẻ để mua vào... Với ngày lễ nghỉ Noel và tin tốt lành từ FED, thị trường Mỹ và thế giới khó có thể xuống mạnh, tạo tâm lý tốt cho thị trường Việt Nam.

Tuần qua thị trường khôi phục

Tuần giao dịch vừa qua, thị trường đã có những phiên điều chỉnh tăng giá mạnh mẽ giúp lấy lại lòng tin của nhà đầu tư. VNIndex đóng cửa sau phiên giao dịch ngày cuối tuần ở mức 935,07 điểm, tăng 12,98 điểm so với phiên đóng cửa cuối tuần trước. Giá trị giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt 739,04 tỷ đồng so với con số 663,1 tỷ đồng của tuần trước.

Tuần vừa qua chứng kiến sự tăng giá của nhiều blue chips, dù mức tăng chưa cao. Tỷ lệ tăng cao nhất là Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí PET (doanh nghiệp thuộc danh sách VNR500 – 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam) với mức tăng gần 11.5%.

Sàn Hà Nội cũng xuất hiện các tín hiệu lạc quan. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số Hastc-Index tăng 9,11 điểm (tương ứng 2,8%) sau hai tuần giảm giá liên tiếp.

Tâm lý chờ đợi IPO Vietcombank cũng đã qua cùng với ngày chốt đóng tiền đặt cọc đấu giá (18/12), trong khi kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết được dự đoán rất ấn tượng đã kích thích nhà đầu tư quay trở lại sàn.

Tác động của IPO VCB bắt đầu phai nhạt

Vào 26/12 tới, Vietcombank sẽ đấu giá chào bán cổ phần ra công chúng. Khối lượng đem ra đấu giá là 97,5 triệu đơn vị, tương đương 6,5% vốn điều lệ.

Đúng như dự báo của nhóm Hà Nội – Boston, các nhà đầu tư tổ chức không thể thua cuộc trong cuộc chiến VCB. Công sức “dìm giá” thị trường để giảm hưng phấn của các nhà đầu tư cá nhân đã thành công.

Số lượng cổ phần đăng ký mua chỉ cao hơn khoảng 10% so với lượng cổ phần chào bán, tức là khoảng hơn 120 triệu đơn vị, trong đó riêng các nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua gần 80 triệu đơn vị. Giá trúng thầu của Vietcombank được dự báo chỉ xoay quanh mức 110.000 đồng mỗi cổ phần.

Tỷ lệ tham gia thấp như vậy là do nhiều nhà đầu tư sau khi xem xét, phân tích các yếu tố được mất đã quyết định không tham dự IPO Vietcombank với suy nghĩ giá khởi điểm như vậy còn rất cao, và chờ cơ hội mua lại quyền mua với giá rẻ hơn từ các cán bộ công nhân viên của Vietcombank - những người được mua cổ phần với giá ưu đãi.

Nhiều công ty trong danh sách VNR500 - 500 DN lớn nhất Việt Nam sẽ có những chuyển động mới trên TTCK từ đầu năm 2008


Sau thời gian đấu giá là thời gian nộp tiền của IPO Vietcombank. Đây có lẽ cũng là thời gian nhạy cảm của thị trường. Nhưng dòng cổ phiếu bị bán ra để lấy tiền mua VCB sẽ không quá lớn vì đa số đối tượng tham gia đấu giá là các nhà đầu tư lớn, có đủ lượng vốn sẵn có để thanh toán mua VCB, nhất là họ đã từng dự tính phải chuẩn bị đủ vốn để mua VCB với giá trên 15 chấm.

Điều này có nghĩa rằng giá trúng thầu dưới “11 chấm” của VCB sẽ tạo ra ảnh hưởng tốt đối với thị trường khi một luồng vốn nhàn rỗi sẽ tiếp tục đổ vào các cổ phiếu được niêm yết.

Chính sách quản lý thị trường hứa hẹn nhiều biến chuyển tích cực

2007 là năm bùng nổ chưa có tiền lệ của thị trường chứng khoán Việt Nam, với sự đột biến về nguồn vốn vào thị trường chứng khoán, kể cả nguồn từ các tổ chức đầu tư trong nước, trong dân cư và các nhà đầu tư nước ngoài.

Từ đầu năm đến nay, đã có 179 công ty được chào bán 2,46 tỷ cổ phiếu ra công chúng, tương ứng với khoảng trên 48.000 tỷ đồng. Con số trên cao gấp 25 lần so với năm 2006.

Ngoài ra, sự đột biến còn thể hiện trong giao dịch và tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài. Riêng về lượng tài khoản, hiện đã có trên 7.500 tài khoản thuộc khối này, tăng gấp 3 lần so với năm 2006.

Những biến động đột biến của thị trường năm 2007 tất nhiên đã khiến các nhà quản lý phải phản ứng bằng cách đưa ra các đáp ứng chính sách khác nhau nhằm điều tiết thị trường, quy về 4 mảng chính:

1. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vốn đã bị trì trệ trong nhiều năm nay, từ đó tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

2. Kiềm chế tầm ảnh hưởng tiêu cực có thể có của thị trường tài chính tới nền kinh tế thực. Một trong những biện pháp thuộc nhóm này là Chỉ thị 03 nhằm ngăn ngừa ảnh hưởng sụp đổ dây chuyền giữa thị trường chứng khoán và khu vực ngân hàng.

3. Tăng thu ngân sách từ thị trường tài chính, thể hiện qua chính sách thuế đánh vào đầu tư chứng khoán và việc cố gắng IPO các doanh nghiệp nhà nước với giá cao nhằm thu thặng dư vốn về cho NSNN.

4. Hoàn thiện các thiết chế thị trường: thành lập Sở giao dịch TP. Hồ Chí Minh, tăng cường quy định về công bố thông tin, xử phạt các hành vi vi phạm.


Dấu hiệu mua vào là khi VNIndex vượt qua giá trị 950-960 điểm


Như vậy, trên thị trường chứng khóan, các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay vừa là người bán hàng lớn (IPO doanh nghiệp nhà nước đang là nguồn cung lớn nhất của thị trường), vừa là người thu thuế và vừa là người quản lý.

Với tư cách là người bán hàng, Nhà nước muốn thị trường sôi động để có thể bán các DNNN nhà nước với giá cao. Với tư cách là cơ quan quản lý, Nhà nước muốn thị trường “không quá nóng” (tuy nhiên sẽ rất khó để xác định khi nào thị trường quá nóng) để tránh rủi ro khủng hoảng tài chính.

Trong khi đó, chính sách thuế nặng về mục tiêu tăng cường thu ngân sách trong ngắn hạn hơn là mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn. Những mục tiêu chính sách phức tạp như vậy khiến cho các chính sách quản lý thị trường đôi khi còn thiếu rõ ràng và nhất quán, chủ yếu thiên về phòng thủ và đảm bảo an toàn hơn là thúc đẩy thị trường.

Theo đánh giá của JP Morgan trong bản báo cáo mới phát hành, “chính sách” và “IPO các DNNN” là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm của thị trường chứng khóan Việt Nam thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, đáng mừng là các cơ quan quản lý nhà nước đã nhận ra những mâu thuẫn chính sách hiện hành và định hướng năm 2008 sẽ ban hành các chính sách cân bằng hơn, chú trọng nhiều hơn vào các “biện pháp kích cầu đầu tư”.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng, Ủy ban Chứng khoán sẽ trình lên Chính phủ những biện pháp liên quan đến kích cầu trong năm 2008. Các biện pháp cụ thể chưa được tiết lộ, nhưng trước hết là sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, khuyến khích khối này đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Do vậy, có thể kỳ vọng các biện pháp như mở room sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành hoặc cho phép các nhà đầu tư nước được mua cổ phiếu bằng ngoại tệ thông qua một công cụ tài chính sẽ được ban hành trong nửa đầu năm 2008.

Bên cạnh đó, trước hiện tượng chào bán cổ phiếu dồn dập, đặc biệt là vào những tháng cuối năm, Ủy ban chứng khoán Nhà nước có thể sẽ xin phép Bộ Tài chính dãn lịch chào bán của các công ty để tránh hiện tượng bội thực nguồn cung. Đây cũng sẽ là một tin tốt cho thị trường.

Thị trường khởi sắc sau Noel?

Bên cạnh tin từ đợt đấu giá của Vietcombank (chốt vào 26/12), tuần tới có nhiều hy vọng về sự khởi sắc của thị trường:

- Theo nhận định của JP Morgan, thị trường giờ đây đã rẻ để mua vào. Với tiêu đề: "Cập nhật chiến lược kinh doanh cổ phiếu tại Việt Nam hiện nay trong thời điểm thị trường đang điều chỉnh vì chính sách và IPO", bản báo cáo nhận định rằng thời điểm hiện tại là cơ hội mua gom các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HOSE.

Giá các cổ phiếu niêm yết tại HOSE đã giảm xuống dưới mức 25 lần lợi nhuận từ cổ phiếu dự kiến cho năm 2008 (P/E dưới 25) trong khi tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đạt 24%. Thị trường đã xuống giá khá thấp, và khó có khả năng mất giá sâu hơn nữa trong bối cảnh các tin tức tích cực xuất hiện ngày càng nhiều. Dự báo nguồn cầu sẽ bắt đầu tăng trong tuần tới.

- Thời điểm có hiệu lực của Chỉ thị 03 đã đến rất gần, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã đáp ứng được yêu cầu của Chỉ thị 03, do vậy các nhà đầu tư không còn động lực bán cổ phiểu để trả nợ ngân hàng.

- Thông tin về các kết quả kinh doanh “hoành tráng” trong năm 2007 sẽ được công bố hoặc bị rò rỉ trong các tuần tới. Đây sẽ là động lực thúc đẩy thị trường đi lên.

- Cuối tuần qua Cục dự trữ Liên bang Mỹ vừa tuyên bố sẽ tiếp tục tiếp sức thị trường chứng khoán Mỹ với khoản 20 tỷ USD, cho các ngân hàng thương mại vay để vượt qua cơn khủng hoảng thị trường tín dụng. Dự báo tuần tới, với ngày lễ nghỉ Noel và tin tốt lành từ FED, thị trường Mỹ và thế giới khó có thể xuông mạnh, tạo tâm lý tốt cho thị trường Việt Nam

Triển vọng đảo chiều




Thị trường đang có hai đường hỗ trợ màu xanh. Đường số 1 ở mức 930 điểm và đường số 2 ở mức 910 điểm. Dự kiến VNIndex sẽ rất khó xuyên qua được hai mức hỗ trợ này.

Thị trường cũng đang có hai đường kháng cự mạnh màu đỏ. Đường số 3 ở mức 950 điểm và đường kháng cự trung hạn số 4. Trong đó đường số 4 là đặc biệt quan trọng do VNInđex đã 4 lần tiệm cận đường kháng cự này nhưng đều thất bại trong việc xuyên thủng nó.

Khi VNIndex chưa xuyên thủng được đường kháng cự số 4 này, chưa thể nói xu hướng đi xuống của thị trường đã kết thúc, và chưa thể nói thị trường đã xuất hiện dấu hiệu mua vào.

Chưa xét tới các kịch bản thị trường đi xuống mạnh hơn nữa (khả năng ít xảy ra trong điều kiện hiện nay), có 2 kịch bản chính cho sự đảo chiều đi lên của thị trường:

- Kịch bản 1: VNIndex tăng mạnh ngay trong thứ Hai và thứ Ba tuần tới với giá trị vượt qua 950-960 điểm, tức là phá vỡ cả hai đường kháng cự số 3 và 4. Đó cũng chính là dấu hiệu tổng tấn công của các nhà đâu tư do thị trường sẽ đi lên ít nhất tới mức 1000 điểm và tích lũy để xuyên qua mốc tâm lý quan trọng này.

- Kịch bản 2: VNIndex xuyên qua đường hỗ trợ trung hạn số 4, chính thức chấm dứt giai đoạn giảm giá kéo dài từ đầu tháng 10. Tuy nhiên, thị trường không đủ mạnh để xuyên qua đường kháng cự số 03 (mốc 950-960 điểm) tạo ra giai đoạn tăng giá mới.

Thay vào đó, thị trường chuyển sang giai đoạn biến động rập rình giữa đường hỗ trợ 01 và đường kháng cự 03 (từ 900 tới 950 điểm). Khi đó thời điểm đảo chiều của thị trường sẽ tới chậm hơn nhưng sức mạnh của xu hướng uptrend sẽ lớn hơn nhiều so với kịch bản 1. Mốc 1170 điểm có thể sẽ được phá vỡ.

Tăng cường mua vào để đón đầu tăng giá

Thời điểm hiện nay đã là thời điểm giải ngân khá an toàn đối với các nhà đầu tư. Những dự báo rất khả quan mà giới truyền thông và phân tích đưa ra sẽ tác động tích cực tới tâm lý thị trường.

Nếu như năm ngoái, bằng giờ này, thị trường đang sôi sục, thì năm nay thị trường do ảnh hưởng của “cơn bão VCB” nên bị kiềm chế nhiều. Khi cơn bão VCB đi qua, dự báo thị trường sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh.

Khuyến nghị của nhóm phân tích Hà Nội- Boston là nhà đầu tư hãy lạc quan hơn và tăng cường mua vào để đón đầu đợt tăng giá sắp tới vào tháng 1 của thị trường, khi các báo cáo đầy lạc quan về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bắt đầu được đưa ra.

Dấu hiệu mua vào là khi VNIndex vượt qua giá trị 950-960 điểm.

( Nhóm phân tích Hà Nội - Boston)