Trong giao dịch, kinh doanh CK - nhà đầu tư vì bảo vệ lợi ích của chính mình - cần quan tâm và xử lý đúng đắn các nguyên tắc và phương thức chi trả, thanh toán cổ tức sau đây:

1. Lợi tức CP (hay gọi là cổ tức) là một phần lợi nhuận được phân phối cho cổ đông, tùy thuộc tình hình lợi nhuận của TCPH và tỷ lệ góp vốn đầu tư của từng cổ đông. Do đó, mức lợi tức CP cũng như phương thức chi trả, thanh toán cổ tức tuỳ thuộc sự phát triển sản xuất - kinh doanh và chính sách cổ tức của từng TCPH, do Hội đồng quản trị quyết định.

2. Lợi tức CP, nhất là chi trả cổ tức của một TCPH, thường có xu hướng: muốn tạo khả năng và duy trì mức cổ tức cao để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, mặc dù tình hình - sản xuất kinh doanh tốt xấu, có khi đều không có sự phân biệt; hoặc có khi, vào những lúc thu hẹp hoạt động, nhưng chi trả cổ tức có thể vẫn cao, cho dù thu nhập giảm, và theo đó lợi nhuận giảm, do TCPH muốn duy trì mức trả cổ tức ngang bằng mức cổ tức trong thời kỳ kinh doanh phát đạt.

3. Theo các phương thức trên, không thoả đáng. Nhà đầu tư cần phân tích và hiểu biết đầy đủ các yếu tố hoạt động, ảnh hưởng đến cổ tức và chi trả cổ tức - thường bao gồm:

a/ Xác định mức tăng trưởng tiềm năng của các khoản lợi nhuận trong tương lai;

b/ Nghiên cứu, xem xét sự biến động của các khoản lợi nhuận trong các giai đoạn khác nhau và chu trình tái sản xuất - kinh doanh;

c/ Nghiên cứu lợi nhuận và mức chi trả cổ tức của các tổ chức khác nhau trong cùng một ngành kinh doanh. Từ đó, nhà đầu tư xem xét các mối quan hệ: thu nhập - lợi tức - đầu tư phát triển - chi trả cổ tức... và tìm các phương án thích hợp nhất.

4. Thông thường, nhà đầu tư phải xem xét kỹ bản cáo bạch nhất là về tình hình tài chính hiện tại và 1 năm về trước, về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và phát triển, đặc biệt là về nguồn thu nhập từ cổ tức hay lãi suất, sau khi trừ các chi phí liệu giá trị đầu tư có đạt trên điểm hoà vốn hay không? Các rủi ro, lợi nhuận mang lại, khả năng cạnh tranh, diễn biến giá cả CP và tình hình biến động chỉ số VN-Index. Do đó, nhà đầu tư phải tỉnh táo với lợi tức thu được.

5. Nhà đầu tư, nếu mong muốn có một khoản cố định để bảo đảm cho việc chi dùng, thì có thể chọn đầu tư vào các trái phiếu hoặc CP ưu đãi; ngược lại, muốn phát triển nhanh đồng vốn của mình thì có thể chọn mua các loại CP và luôn chịu sự chi phối của nguyên tắc kinh doanh; rủi ro tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Mặt khác, không nên đầu tư ngắn hạn, vì TTCK vẫn là một thị trường vốn dài hạn, khó lòng có thể tìm được mức lợi nhuận cao trong một thời gian ngắn.

Một số nhà đầu tư lại theo xu hướng đầu tư vào tương lai, có thể hiện tại công ty đang làm ăn thua lỗ, nhưng họ lại dự đoán và đánh giá một tiềm năng phát triển trong tương lai - nên họ quyết định đầu tư vào CP đó - đồng nghĩa với lợi nhuận cao, rủi ro cao.

6. Nguyên tắc quan trọng là xác định và duy trì cổ tức nên ở mức khá thấp và chỉ nên tăng mức cổ tức khi có những khoản thu nhập tăng thêm. Riêng đối với TCPH có độ biến động lớn, có thể áp dụng phương thức: duy trì mức cổ tức thấp, đồng thời chi trả những khoản cổ tức phụ trội vào các thời điểm hợp lý và khi thu nhập cho phép nhằm bảo đảm việc chi trả cổ tức luôn thực hiện đối với nhà đầu tư.

7. Việc thanh toán, chi trả cổ tức cho cổ đông, có khả năng bằng tiền mặt hoặc không dùng tiền mặt, dưới 2 hình thức:

a/ Chi trả cổ tức bằng CP, giữ tiền mặt cho đầu tư phát triển, nếu mức chi trả đó chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 2-5% tổng số CP đã phát hành, thì nhà đầu tư không chú ý đến "loãng giá" (giá CP sẽ giảm xuống), ảnh hưởng không đáng kể đến thu nhập. Nhà đầu tư yên tâm khi họ nhận được CP nhiều hơn; nhưng thực tế họ không nhận được gì, vì khi công bố trả cổ tức bằng CP, thì giá CP sẽ giảm xuống tương ứng với tỷ lệ trả cổ tức bằng CP.

b/ Chi trả cổ tức bằng tách CP, thường kéo theo việc phát hành nhiều CP hơn, theo một tỷ lệ tương ứng với số lượng CP, mà các cổ đông đang nắm giữ, và thường dẫn đến kết quả giá trị thị trường CP tăng lên.

Như vậy, các TCPH vẫn giữ lại được nguồn vốn bên trong để đầu tư phát triển, tăng thêm CP cho các cổ đông, nguồn cung cấp CP cho thị trường, giảm biến động giá cả thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.

(Theo BSC)