Sàn chứng khoán và những thương hiệu đang nổi
Nguồn ảnh: VNR. |
Ngày 15/11/2007, Báo điện tử VietNamNet và Vietnam Report chính thức công bố bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam - VNR 500.
Danh sách VNR 500 xếp theo nhiều tiêu chí, từ Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tính theo tổng tài sản, theo lợi nhuận, cho tới Top tính theo số lao động...
Nhưng đáng chú ý, trong số các nhóm này, có nhiều thương hiệu đang nổi và có nhiều tiến bộ trong thời gian qua tại VN đã được ghi nhận. Và cũng thật tình cờ, nhiều trong số đó có vẻ rất "hợp thời": đã hoặc đang chuẩn bị có mặt trên sàn chứng khoán.
Nhiều doanh nghiệp trong số các nhóm thuộc VNR 500 đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán như Công ty CP Dịch vụ & Kỹ thuật cơ điện lạnh REE hay Công ty CP Thương mại XNK Thủ Đức - đều là những cái tên đã có mặt trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và tới nay vẫn nằm trong danh mục của đông đảo các nhà đầu tư hướng về đầu tư giá trị, dài hạn.
REE là một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cơ điện đối với các công trình công nghiệp, thương mại và dân dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tham gia vào các lĩnh vực phát triển và khai thác bất động sản, hoạt động đầu tư tài chính vào các công ty, ngân hàng cổ phần.
Trong tháng 11 năm 2007, nhóm Công ty Cơ Điện lạnh (mã chứng khoán: REE, sàn HOSE) đạt được tổng doanh thu thuần là 59,88 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế là 17,76 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2007 nhóm công ty đạt được tổng doanh thu thuần là 855,7 tỷ đồng, bằng 104,18% so với cùng kỳ năm 2006, đạt 85,57% so với kế hoạch năm 2007 (1.000 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế là 344,81 tỷ đồng, bằng 152,38% so với cùng kỳ năm 2006, đạt 101,42% kế hoạch năm 2007 (340 tỷ đồng).
Theo thống kê vào thời điểm 16/08/2007, tổng vốn đầu tư của REE vào hoạt động tài chính là 924,85 tỷ đồng được đầu tư vào 14 công ty cổ phần, 3 ngân hàng cổ phần và 2 loại trái phiếu. Trong đó đầu tư nhiều nhất là 291,83 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), chiếm 6,56% vốn cổ phần của ngân hàng này (4.448,81 tỷ đồng). Mục tiêu đầu tư tài chính của công ty là nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn cổ đông, đa dạng hoá lĩnh vực hoạt động, tăng tính thanh khoản tài sản của công ty.
Trường hợp điển hình tiếp theo có thể kể đến là CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (mã chứng khoán: TMC, lên sàn cuối năm 2006).
Theo báo cáo tài chính, trong quý III/2007 doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 263,997 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 742,145 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng 122,06 tỷ đồng). Trong quý III/2007, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 3,042 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 10,829 tỷ đồng, tăng 26,6% (tương đương tăng 2,273 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2006.
Theo Nghị quyết HĐQT công ty vừa thông qua, ước thực hiện doanh thu năm 2007 của TMC sẽ là 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 16,1 tỷ đồng. HĐQT đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2008 là 1.200 tỷ đồng doanh thu (bằng 120% so với năm 2007) và 20 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (bằng 124% năm 2007).
Đồng thời, HĐQT đã thông qua các dự án đầu tư phát triển năm 2008 gồm có dự án đầu tư Trung tâm thương mại tại 231 Võ Văn Ngân, Thủ Đức; dự án đầu tư Trung tâm thương mại Hiệp Phú tại Quận 9; dự án đầu tư Cửa hàng kinh doanh sắt thép tại 1106 Kha Vạn Cân, Thủ Đức; dự án đầu tư showroom kinh doanh xe ôtô tại 746 Kha Vạn Cân, Thủ Đức; dự án mua và xây dựng mới 2 trạm bán lẻ xăng dầu. Tổng kinh phí đầu tư trong năm 2008 là 95,4 tỷ đồng, năm 2009 là 126 tỷ đồng. HĐQT cũng đã thống nhất trong năm 2008 sẽ tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, gồm: chi trả 10% cổ tức năm 2007 bằng cổ phiếu là 5 tỷ đồng (500.000 cổ phiếu), phát hành thêm 45 tỷ đồng.
Hay như Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC, cũng là một đại diện trong VNR 500. SMC là cổ phiếu thứ 52 được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM và là cổ phiếu ngành thép đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán này. SMC hiện là nhà phân phối chiến lược của các nhà sản xuất thép lớn ở Việt Nam. Năm 2005, SMC chiếm 3% thị phần trong nước về phân phối thép. Tuy ngành nghề kinh doanh chính của SMC là “nhà phân phối thép chuyên nghiệp” nhưng công ty cũng đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực gia công chế biến thép, tiến tới sản xuất và gia công các sản phẩm thép xuất khẩu.
SMC quyết định niêm yết trên sàn nhằm tăng cường khả năng quảng bá thương hiệu và huy động thêm vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển. SMC dự kiến đạt doanh thu 1.750 tỷ đồng năm 2007 và 2.000 tỷ đồng năm 2009 với lợi nhuận thuần khoảng 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong số các nhóm thuộc VNR 500 cũng đang tạo cơ hội cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm vận hội của mình nhờ các cổ phiếu hấp dẫn ngoài sàn.
Đó là trường hợp của Công ty Thép Pomina; Công ty TNHH TM & SX Thép Việt; Tổng Công ty CP Đầu tư và XNK Foodinco hay Công ty Cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường. Cổ phiếu của các công ty này hiện đang được giao dịch khá sôi động trên các sàn giao dịch OTC tại các công ty chứng khoán, bất chấp xu thế chung của thị trường OTC gần đây có chững lại nhiều.
Nguyên do là đây đều là những thương hiệu có tiếng trong ngành của mình và đều có những dự án tầm cỡ cho tương lai. Đơn cử như trường hợp của Thép Việt. Công ty này hiện đang chuẩn bị cho triển khai tới ba dự án thép với tổng vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD.
Ngay cả các công ty như Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco, dù hoạt động trong ngành lương thực và công nghiệp thực phẩm song cũng làm các nhà đầu tư phải chú ý cao khi mạnh dạn thông qua việc đầu tư dự án cao ốc văn phòng - Trung tâm thương mại, khách sạn - căn hộ cao cấp Foodinco Plaza tại 58 Bạch Đằng, TP. Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư dự kiến 535 tỷ đồng; thông qua báo cáo đầu tư dự án Khu dân cư Foodinco tại Khu đô thị mới nam TP.HCM rộng 5ha, với tổng dự toán kinh phí đầu tư 207 tỷ đồng...
Đặc biệt, đại hội đồng cổ đông Foodinco đã thông qua báo cáo phương án huy động vốn thực hiện dự án thông qua việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu với tổng giá trị khoảng 50 tỷ đồng và thống nhất chủ trương nâng vốn điều lệ Foodinco thêm 15 tỷ đồng trong thời gian tới...
Trao đổi với VietnamNet, đại diện công ty Thép Việt cho biết việc được xếp hạng một cách công khai, minh bạch với các tiêu chí khá hiện đại đã phản ánh xứng đáng vị thế đang lên của công ty.
Trong khi đó, đại diện Foodinco cho biết sẽ coi việc được xếp hạng lần này như một vinh dự cần giới thiệu với đông đảo khách hàng và đối tác của mình.
Được biết, hầu hết các doanh nghiệp này đều đang chuẩn bị có mặt trên sàn chứng khoán trong thời gian tới. Khi đó, thương hiệu của họ càng có dịp tiếp tục lan toả tới giới đầu tư trong và ngoài nước.
(Theo VietnamNet)
0 Responses to Sàn chứng khoán và những thương hiệu đang nổi
Something to say?