Nhiều phiên đấu giá ế ẩm
Theo dự kiến ngày mai (25/12), Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC) sẽ tổ chức phiên đấu giá của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm kết thúc đăng ký, chỉ có duy nhất một nhà đầu tư ghi tên tham dự.
Do đó, HASTC đã buộc phải hủy bỏ phiên đấu giá của công ty này vì không đủ điều kiện theo quy chế đấu giá.
Trước đó, phiên thoả thuận bán tiếp cổ phần của Công ty Than Mông Dương dự kiến tổ chức vào ngày 21/12 tại HASTC cũng không thể thực hiện được vì không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.
Cuộc đấu giá của Ngân hàng thương mại cổ phần Gia Định ngày ngày 19/12 cũng diễn ra không thành công như mong đợi khi chỉ bán được vỏn vẹn 109.200 cổ phần trong tổng số hơn 3,6 triệu cổ phần đem ra chào.
Tổng giá trị cổ phần bán được là 4,35 tỷ đồng. Giá đặt mua cao nhất cũng chỉ đạt 40.213 đồng mỗi cổ phần, mức giá khởi điểm 40.000 đồng.
Tương tự, phiên đấu giá của Công ty Kinh doanh bao bì lương thực ngày 18/12 rơi vào cảnh đìu hiu khi chỉ có vỏn vẹn 8 nhà đầu tư tham dự. Tổng số cổ phần đem ra đấu giá là 2.078.700, chỉ bán được 66.500 cổ phần.
Một phiên đấu giá tại HASTC. Ảnh: Kiều Giang. |
Nhận xét về tình hình ế ẩm của các phiên đấu giá trong thời gian gần đây, ông Bùi Đức Thịnh, Trưởng phòng Phân tích đầu tư, Công ty chứng khoán IRS cho rằng, nguyên nhân một phần là do cung cầu trên thị trường.
Hiện nay, lượng hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn lại tranh thủ thời điểm cuối năm để phát hành tăng vốn khiến nguồn cung "bội thực". Trong khi đó, nguồn vốn của nhà đầu tư cũng đang gặp khó khăn.
Đồng tình về chuyện nguồn cung trên thị trường đang cao hơn cầu, song ông Trần Văn Dũng, giám đốc HASTC cho rằng, cơ hội bán hết lượng cổ phiếu đấu giá vẫn có nếu như giá khởi điểm được xác định ở mức hợp lý.
Trường hợp của Ngân hàng cổ phần Gia Định là ví dụ rõ ràng nhất. Trong khi giá cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần khác trên thị trường OTC (có thương hiệu và mạng lưới lớn hơn Gia Định) vào khoảng 30.000-60.000 đồng, thì mức giá khởi điểm 40.000 đồng mà nhà băng này đưa ra là không phù hợp.
Trên thực tế, theo giải thích của ông Dũng, thị trường có lên có xuống trong khi phương án bán đấu giá cũng như giá khởi điểm được phê duyệt khá lâu trước đó. Trong thời điểm thị trường xuống, đến ngày đấu, có trường hợp giá khởi điểm đã tương đương giá thị trường, hoặc thậm chí cao hơn, thì cuộc đấu giá khó thành công như mong đợi.
Giám đốc HASTC cho rằng, đây là kinh nghiệm cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, nếu khi xây dựng phương án phát hành, giữa thời điểm có giấy phép và thời gian đấu giá rút ngắn hơn, thì sẽ ít bị tác động bởi thị trường.
"Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ xem xét rút ngắn thời gian giữa thời điểm cho phép phát hành với thời gian đấu giá để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp", ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi xây dựng phương án giá khởi điểm, doanh nghiệp nên mạnh dạn đưa ra mức hợp lý, vừa căn cứ vào tình hình tài chính của doanh nghiệp, vừa dựa trên thực tế thị trường, đồng thời vẫn phải để cho nhà đầu tư cảm thấy hấp dẫn để tham gia.
Trong cuộc gặp với báo chí mới đây, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho hay, cơ quan này có thể sẽ xin phép Bộ Tài chính dãn lịch chào bán của các công ty để tránh hiện tượng bội thực nguồn cung.
(Theo VnExpress)
0 Responses to Nhiều phiên đấu giá ế ẩm
Something to say?