Lạm phát, lạm phát, và lạm phát - đó là tất cả những gì có thể nhận thấy trong lý giải của các chuyên gia kinh tế cho sự đi xuống của thị trường chứng khoán toàn cầu tuần qua.

Trong ngày thứ sáu 13/6, phố Wall đón nhận tin xấu khi những con số về chỉ số tiêu dùng (CPI) cho thấy mức tăng đáng lo ngại, mà từ đó nguy cơ lạm phát sẽ có thể tiếp tục leo thang.

Chỉ số CPI đã tăng 0,6% trong tháng năm trong khi mức tăng tháng tư chỉ là 0,2%. Một cuộc khảo sát trước đó cho thấy phần lớn mọi người đều dự đoán CPI sẽ chỉ khoảng 0,5%.

Sự tăng giá của nhiên liệu và nhiều nhu yếu phẩm khác không chỉ ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của từng cá nhân mà còn kéo tụt sự đi lên của thị trường chứng khoán. Ảnh: thedigeratilife.com.
Sự tăng giá của nhiên liệu và nhiều nhu yếu phẩm khác không chỉ làm xẹp túi tiền của từng cá nhân mà còn có thể làm "tan giấc mơ hoa" của giới đầu tư tài chính. Ảnh: thedigeratilife.com.

Ông Peter Cardillo, nhà Kinh tế trưởng tại Avalon Partners cho biết, tin tức về lạm phát và CPI rõ ràng là không tốt, nhưng những gì vừa diễn ra trên thị trường là hệ quả của việc đồng đôla hồi phục và giá dầu giảm..

Theo ông Cardillo việc Cục Dự trữ Liên bang (FED), Bộ Tài chính, và cả Ngân hàng Trung ương đều đang hướng tới mục tiêu tăng cường sức mạnh cho đồng đôla, sẽ khiến một số nhà đầu cơ rút khỏi dầu, vàng và các loại hàng hóa khác.

Các công ty tài chính đều đang vui mừng. Đáng chú ý là Lehman Brothers "anh hùng sa cơ" trong tuần trước đã có màn trở lại ấn tượng khi cổ phiếu này tăng mạnh tới 13,7%.

Giá chứng khoán của tập đoàn tài chính hàng đầu này đã mất điểm mạnh trong tuần khi công bố lỗ tới 2,8 tỷ đôla trong quý I, từ đó dẫn tới xáo trộn lớn về nhân sự. Tín hiệu khả quan từ việc Tập đoàn Đầu tư BlackRock thông báo mua lại cổ phiếu của Lehman đã giúp cổ phiếu này có bước tiến đáng kể vào cuối tuần.

Bênh cạnh thông tin liên qua tới cổ phiếu ngân hàng, trong tuần qua sự kiện đáng chú ý là việc cổ phiếu của nhà sản xuất bia lớn nhất nước Mỹ, Anheuser-Busch, tăng mạnh sau khi hãng này được các đối thủ từ bên kia đại tây dương định giá tới 46 tỷ đôla. Việc Yahoo và Microsoft lại không tìm được tiếng nói chung trong quá trình đàm phán sáp nhập hai thương hiệu khổng lồ trên cũng rất được quan tâm.

Cuối tuần, tuyên bố chủ tịch FED ông Ben Bernanke, rằng rất có thể lãi suất trong thời gian tới sẽ được nâng lên trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, đã phết nét vẽ cuối cùng lên bức tranh chứng khoán phố Wall tuần qua, trong đó những mảng màu tối chiếm đa số.

Trong năm phiên giao dịch gần đây nhất, chỉ số Dow Jones đã mất gần 4%, chỉ số Standard & Poor 500 suy khoảng 4,5%, và con số này với chỉ số Nasdaq là hơn 5,5%. Sự suy giảm của những chỉ số chính bắt nguồn từ nỗi lo về lạm phát cùng với những vấn đề của cổ phiếu ngành tài chính.

Trên các thị trường lớn tại châu Á, duy nhất chỉ số Nikkei 225 tăng thêm 0,61% trong ngày 13/6. Những nhà xuất khẩu như Sony tăng điểm và đóng vai trò dẫn dắt sau khi đồng yên giảm giá. Cùng với đó là việc nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin tích cực từ cuộc họp của các bộ trưởng tài chính nhóm G8. Tuy vậy, ngày thứ sáu suôn sẻ này không đủ để xóa đi thực tế rằng chứng khoán tại quốc đảo này đã giảm tuần tới 3,6%, mức giảm tồi tệ nhất trong ba tháng qua.

"Quán quân" về tốc độ giảm trong tuần là thị trường Trung Quốc. Mức giảm rất ấn tượng là 7,4% cho chỉ số Hang Seng của Hong Kong vẫn "chưa là gì" so với con số thụt lùi 13,84% của chỉ số Shang Hai, hàn thử biểu của chứng khoán Trung Quốc. Trong phiên cuối tuần, số điểm trừ của chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc lần lưọt là 1,87% và 3%.

Nguyên nhân chính cho những con số đáng buồn trên là áp lực lạm phát, giá dầu leo thang và cổ phiếu tài chính ngày càng giảm sâu hơn. Ngoài ra, cổ phiếu viễn thông cũng đóng góp đáng kể vào số điểm âm tại hai quốc gia trên.

Ngày hôm qua chứng kiến chỉ số FTSE 100 của Anh có ngày tăng điểm thứ hai liên tiếp, thêm 0,2%. Tính theo tuần của chỉ số này suy giảm 1,76%, tuần thứ tư liên tiếp xuống điểm. Vẫn là giá dầu, diễn biến tài chính tại Mỹ, và nỗi lo lạm phát đã đẩy chỉ số này xuống ngày một sâu hơn.

"Góp vui" với sự đi xuống của chứng khoán toàn cầu tuần qua còn có các chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức. Hai chỉ số này vào ngày đen đủi nhất trong năm, thứ sáu 13/6, dù vẫn tăng lần lượt 0,21% và 0,76%, nhưng mức giảm tuần ghi nhận được là 2,35% và 0,56%.

Xuân Hòa