Toàn cảnh chứng khoán thế giới tuần qua vẫn bị bao phủ bởi một màu đỏ. Các thị trường lớn từ châu Á, châu Âu đến phố Wall cùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát và các vấn đề tài chính, ngân hàng.

Phiên cuối tuần qua tại Mỹ, chỉ số Dow Jones của 30 doanh nghiệp hàng đầu giảm 1,83% xuống mức 11.842,69 điểm. Trong khi đó, Nasdaq đi xuống 2,27% chốt ở mức 2.406,09 điểm. Còn Standard & Poor 500 (S&P 500) mất 1,85%, còn 1.317,93 điểm.

Sau một tuần, Dow Jones suy giảm 3,8%. Nasdaq mất 2%. S&P 500 sau 5 ngày giao dịch bị trừ đi 3,1%.

Trái phiếu chính phủ đang ngày càng trở thành lựa chọn an toàn hơn cho các nhà đầu tư trước tình trạng bết bát của chứng khoán Mỹ, và sự suy yếu của đồng đôla.

Phố Wall trong tuần qua luôn chịu sức ép từ giá dầu và đặc biệt là các vấn đề của thị trường tài chính. Đến thời điểm này khủng hoảng tín dụng đã kéo dài hơn một năm nay, nhưng có vẻ tình trạng này vẫn sẽ còn "hành hạ" giới đầu tư. Hậu quả là kết quả kinh doanh của nhiều tập đoàn lớn vẫn hết sức nghèo nàn và hiện trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Cả hai tập đoàn lớn là Morgan Stanley và Goldman Sachs tuần qua đều công bố sự sụt giảm đáng kể ở lợi nhuận quý II. Không dừng lại ở đó, Merrill Lynch và Citigroup cuối tuần qua cũng "dọa" giới tài chính rằng doanh thu quý II của hai tập đoàn này sẽ rất tồi.

Tập đoàn đánh giá tín dụng Moody's vừa qua đã hạ mức tín dụng của một loạt nhà băng, trong đó có cả Merrill Lynch. Trước đó, Fitch và Standard & Poor cũng có những nhận định tương tự về tình hình của nhiều công ty trong ngành tài chính.

Nhận xét về tình hình tài chính Mỹ thời gian vừa qua, Ông Len Blun, Giám đốc tại Westwood Capital, cho biết ngành tài chính đang liên tục bị "xói mòn" và không có mấy dấu hiệu cho thấy tình hình trước mắt sẽ được cải thiện.

Ngoài ra ông còn cho biết một số ngân hàng đang gặp khó khăn trong hoạt động tuyên bố họ sẽ phải tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Đây sẽ lại là một diễn biến xấu nữa cho phố Wall khi nhiều cổ phiếu tiếp tục bị pha loãng.

Dầu thô tại Mỹ hôm qua giao dịch tại 134,62 đôla một thùng, tăng 2,69 đôla. Giá dầu tăng do sự căng thẳng giữa Israel và Iran, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Lại thêm một tuần nữa với sự đi xuống của chứng khoán toàn cầu. Ảnh:cache.daylife.com.
Lại thêm một tuần chứng khoán toàn cầu đi xuống. Ảnh:cache.daylife.com.

Thị trường chứng khoán châu Âu chứng kiến các chỉ số chính xuống điểm ngày thứ ba liên tiếp. Thông tin xấu từ các ngân hàng, nạn lạm phát , và dầu leo thang đang tạo ra một không khí khá căng thẳng tại các thị trường chứng khoán ở lục địa già. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm hơn 1,5% trong ngày thứ sau, mức giảm tuần ghi nhận được là 3,13%. Chỉ số DAX của Đức giảm 2,12% vào hôm qua và 2,76% sau một tuần. Tại Pháp, CAC 40 giảm 1,79%, sau 5 ngày chỉ số này mất đi 3,69%.

Chứng khoán châu Á cũng khép lại một tuần buồn nhiều hơn vui. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 1,33% và mức giảm tuần là 0,22%.

Tại Trung Quốc, Chính phủ, bất chấp lạm phát, đã quyết định nâng giá xăng lên 18% nhằm hạn chế nhu cầu sử dụng năng lượng tại quốc gia này. Động thái trên đã đội giá của nhiều công ty lọc và khai thác dầu tại cả đại lục và Hong Kong lên cao. Nhờ đó, hàn thử biểu của chứng khoán Trung Quốc, chỉ số tổng hợp Shang Hai tăng 3% vào ngày hôm qua, tuy nhiên tính chung cuộc chỉ số này giảm 1,29% sau một tuần giao dịch. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 0,22% vào 20/6 và sau một tuần, chỉ số này đi lên 0,6%.

Xuân Hòa (Theo CNN)