Nhà đầu tư hôm nay bàn luận nhiều về "số phận" của Vn-Index khi biên độ mới +/-3% được chính thức áp dụng. Chốt phiên, chỉ số sàn TP HCM rớt một mạch 8,8 điểm (2,3%), tụt xuống mức 373,27 điểm.

Trong 4 phiên tăng điểm liên tiếp cuối tuần trước và đầu tuần này, Vn-Index đã "chắt bóp" tích lũy được 14,26 điểm, đẩy chỉ số lên 384,71 điểm.

Nhiều nhà đầu tư đã dự đoán thị trường sẽ tăng điểm trở lại trong phiên đầu tiên với biên độ 3% trên sàn TP HCM. Tuy nhiên, việc Vn-Index quay đầu trước giờ G vào hôm qua đã khiến không ít người lo ngại đà giảm sẽ còn dư âm đến hôm nay, một khi biên độ được nới rộng thêm nữa.

Những gì diễn ra trong 30 phút của đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa đã làm thất vọng nhiều nhà đầu tư. Hàn thử biểu chứng khoán phủ đầy màu đỏ, với lượng dư bán áp đảo ở hầu hết các mã lớn nhỏ. Những cái tên có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường như STB, SSI, DPM, FPT... đã không có đủ lực vực dậy chỉ số chứng khoán. Rơi 9,27 điểm (2,42%), Vn-Index chỉ còn 372,8 điểm, với khối lượng giao dịch nhỏ giọt 1,751 triệu đơn vị, tương ứng 47,924 tỷ đồng.

Vn-Index rớt ngay ngày đầu biên độ giao dịch trên sàn TP HCM được điều chỉnh 3%. Ảnh: Hồng Phúc.

Một nhà đầu tư sàn chứng khoán Rồng Việt, quận 3, cho biết, Vn-Index tăng ít nhưng giảm quá mạnh, nếu thị trường không có biến chuyển khả quan, chỉ số sàn HOSE sẽ còn trượt nhanh hơn nữa, vì Vn-Index bị chi phối nhiều bởi yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.

Ngày 27/3, khi biên độ sàn TP HCM chính thức thu hẹp về 1%, Vn-Index ở mức 508,75 điểm.

Đến ngày 7/4, "vòng kim cô" biên độ được nới thêm 1% (tức +/-2%). Thị trường lên được 3 phiên liên tiếp, sau đó lại lao dốc.

Ngày 19/6, lần thứ hai Ủy ban chứng khoán Nhà nước nới biên độ thêm 1% trên cả hai sàn chứng khoán (Hose: 3%, Hastc: 4%) để dần đưa biên độ giao dịch trở về mức bình thường.

Vn-Index hôm nay đánh dấu ngày đầu tiên nâng biên độ bằng việc mất đi 8,8 điểm.

Không khả quan hơn đợt đầu, số điểm mất đi sau đợt khớp lệnh liên tục lên đến 9,54 điểm, với hàng loạt mã không có người mua, khiến khối lượng giao dịch chỉ vẻn vẹn 4,65 triệu đồng, giá trị 151,699 tỷ đồng.

Đóng cửa ngày thứ 5, Vn-Index chỉ còn 373,27 điểm. Thị trường ghi nhận 141 mã giảm điểm, 8 mã đứng giá và 7 cổ phiếu xanh sàn (ITA tăng mạnh nhất với 2 điểm). DHG có mức giảm mạnh nhất phiên với 4 điểm, kế đến là VPL giảm 3.000 đồng, và nhiều mã chứng khoán có mức giảm dưới 2.000 đồng.

Như vậy, việc nới biên độ chính thức áp dụng ngày hôm nay đã không là lực hỗ trợ cho sự đi lên của Vn-Index. Ngoài ra, tính thanh khoản cũng đã không được cải thiện như dự đoán mà còn giảm mạnh (đặc biệt so với phiên hôm qua) cả về khối lượng và giá trị giao dịch khớp lệnh, với khoảng 5,234 triệu đơn vị, tương ứng hơn 172 tỷ đồng.

Như một nhà đầu tư nhận xét, thị trường hồi phục quá nhanh mà không qua giai đoạn tích lũy sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro, và sự đi lên đó không bền vững. Vn-Index đã có 4 phiên tăng điểm với hàng loạt cổ phiếu đua nhau tăng trần, và cũng hết sức bất ngờ khi đảo chiều nhanh chóng vào hôm qua. Mọi dự đoán về thị trường trong giai đoạn này đều khó chính xác và chứng khoán sẽ vẫn là một sự hồi hộp nhiều thú vị.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số Hastc-Index chỉ còn 112,6 điểm, mất 1,34 điểm (1,18%). Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 1,333 triệu đơn vị, tương ứng 26,218 tỷ đồng.

Bạch Hường-Vnexpress