Diễn biến hôm nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam rất khả quan. Song các chuyên gia và nhiều nhà đầu tư đều thận trọng cho rằng, cần thêm thời gian quan sát quá trình hình thành đáy của thị trường mới biết đâu là thời điểm mua vào.

Giám đốc kinh doanh một công ty chứng khoán nhận định, về trung và dài hạn sẽ rất khó có chuyện thị trường lên "một lèo" nhiều phiên liền. Theo kinh nghiệm của ông cho thấy, bất kỳ thị trường nào muốn hồi phục thì đều phải trải qua giai đoạn tích lũy với khối lượng giao dịch tăng ổn định kèm theo sự nhích dần của các blue chip. Những cổ phiếu lớn như DPM, FPT, SSI, STB, PVD, VNM dù giao dịch đã được cải thiện nhưng vẫn đi xuống. Vì thế nhà đầu tư cần thêm nhiều dấu hiệu nữa để biết liệu Vn-Index đã chạm đáy chưa.

Mẫu hình biến động theo kiểu "chữ V "của Vn-Index trước đây (tăng trở lại ngay sau khi đến đáy, hoặc giảm liên tục sau khi đạt đỉnh) chỉ xuất hiện khi thị trường còn sơ khai với quy mô nhỏ. Quy mô chứng khoán Việt Nam đã lớn hơn trước đây, nhà đầu tư cũng đã có kiến thức và tâm lý "bầy đàn" cũng đã phần nào giảm bớt nên việc lặp lại mô hình đi lên theo kiểu "chữ V" càng khó xảy ra.

Bên cạnh đó, những khó khăn mà kinh tế Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung đang gặp phải như lạm phát, giá nhiện liệu, lương thực ở mức cao sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán. Thậm chí việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất cơ bản lên 14% còn được coi là "một cú đấm" nữa với chứng khoán. Về chính sách vĩ mô, nhà nước dường như đang tập trung vào việc giải quyết bài toán lạm phát và do đó không có khả năng vực dậy thị trường trong một sớm một chiều được.

Dẫu sao tính thanh khoản được cải thiện như phiên vừa qua cũng là rất tốt cho chứng khoán Việt Nam lúc này. Theo vị chuyên gia trên, giai đoạn hình thành đáy và tích lũy có thể nhận biết bằng tính thanh khoản dần cải thiện và hàn thử biểu lình xình.

Lần đầu tiến sau nhiều ngày giảm liên tiếp, số mã tăng nhiều hơn số mã giảm trên bảng điện tử. Ảnh: Hoàng Hà.

Điều này được giải thích dưới góc độ kỹ thuật là do những nhà đầu cơ và nhà đầu tư nhỏ tranh thủ tính thanh khoản tăng để thoát khỏi thị trường nhằm chờ đợi "sóng to" hơn. Trong khi sàn chứng khoán lúc này lại trở thành "sân chơi" cho các tổ chức, đại gia, những người tạo lập thị trường. Vì đối tượng này thông thường là đầu tư dài hạn, giai đoạn hình thành đáy sẽ kéo dài, chỉ có những đối tượng với khả năng tài chính bền, và dồi dào, mới có khả năng găm vốn để chờ thời.

Hơn nữa, chỉ nhờ giai đoạn đi ngang này họ mới có đủ thời gian để gom được nhiều cổ phiếu mà không khíến thị trường tăng nóng trở lại. Trong thời gian tới, nếu các nhà đầu tư lớn đẩy mạnh giao dịch trên các blue chip thì đó mới thực sự là dấu hiệu tốt cho thị trường.

Nếu các nhà đầu tư nhỏ muốn tranh thủ lướt sóng ngắn thì họ cần phải thận trọng vì giai đoạn đi ngang có thể kéo dài với biến động giá không nhiều. Yếu tố này rõ ràng là không phù hợp cho hoạt động đầu cơ. Dẫu sao trong ngắn hạn, nếu thị trường hưng phấn thì những nhà đầu cơ vẫn có thể tranh thủ mua vào để lướt, tuy nhiên việc làm này vẫn có rủi ro ngay cả khi Vn-Index đã thấp như lúc này.

Chị Thu Hiền, nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán Tân Việt, cho hay nhiều cổ phiếu lên điểm trong phiên hôm nay tuy hơi bất ngờ nhưng cũng là điều có thể hiểu được. Thị trường đã giảm tới hơn 20 phiên thì cũng phải có một phiên xanh. Như nhiều nhà đầu tư cá nhân khác, chị nhìn nhận thị trường có lẽ vẫn sẽ điều chỉnh giảm thêm một thời gian nữa. Sau khi đã chịu vài "vố" khá đau sau hai tháng trở lại đây, chị đang tận dụng cơ hội này để đẩy bớt cổ phiếu đi nhằm chờ những diễn biến rõ ràng hơn của chứng khoán.

Bạn định quay lại TTCK khi nào?

Một cuộc trưng cầu ý kiến của độc giả gần đây cho thấy, nhiều nhà đầu tư chọn mức điểm hợp lý để mua vào của Vn-Index là dưới 300 điểm, khá xa so với mốc 370 hiện nay. Giả sử Vn-Index giảm liên tiếp thì với tốc độ giảm hiện nay thị trường cũng cần trên dưới 20 phiên mới có thể xuống tới mức này.

Về vấn đề được nhiều người quan tâm là lượng giao dịch thỏa thuận lớn trên cả hai sàn. Theo phân tích của một nhà đầu tư, lượng giao dịch thỏa thuận lớn vừa là tín hiệu tốt vừa là tín hiệu không tốt. Tốt vì nó thể hiện tính thanh khoản tăng của thị trường. Đặc biệt giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn chắc chắn phải được thực hiện bởi các tổ chức, các nhà đầu tư lớn. Điều này cho thấy, dù thị trường vẫn giảm nhưng với những đối tượng muốn đầu tư dài hạn, thời điểm hiện nay là lý tưởng để mua vào.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trái phiếu tăng lên, đặc biệt là giao dịch bán trái phiếu chính phủ của nhà đầu tư nước ngoài rõ ràng là tín hiệu xấu đối với không chỉ thị trường chứng khoán mà còn cả nền kinh tế nước nhà. Trái phiếu chính phủ vốn là một công cụ tài chính rất an toàn và được các quỹ lớn của nước ngoài rất ưa chuộng khi đầu tư vào các thị trường đang phát triển như Việt Nam.

Lúc này, các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế về lạm phát, sức mạnh của tiền đồng không thuận lợi lắm khiến cho các nhà đầu tư lớn có thể sẽ đối mặt với nguy cơ lỗ khi nắm trái phiếu chính phủ. Việc bán ra liên tục trái phiếu chính phủ thể hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang lo ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô và muốn rút dần khỏi thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, một chuyên gia chứng khoán cho hay, bán trái phiếu không hoàn toàn đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nước ngoài đang rút khỏi thị trường. Có thể việc tiền đồng mất giá và lãi suất tăng cao buộc khối ngoại phải bán bớt trái phiếu, tích trữ ngoại tệ để tự bảo hiểm hoặc cân đối lại danh mục đầu tư. Hoạt động bán này chỉ diễn ra trong hơn một tuần gần đây, khoảng thời gian quá ngắn và chưa đủ điều kiện để kết luận điều gì về động thái của khối ngoại.

Xuân Hòa - Vnexpress