Hơn 40 công ty niêm yết được Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM yêu cầu giải trình cổ phiếu giảm giá hơn 10 phiên. Một số đơn vị trả lời ngay kết quả kinh doanh ổn, trong khi các chuyên gia cho rằng giải trình chỉ là hình thức.

Các công ty niêm yết phải giải trình cho những mã của mình, gồm TDH, STB, PPC, MAFPF1, VTO, VID...

Theo Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), các chỉ số kinh doanh của nhà băng đều ổn định, tuân thủ theo quy định của ngân hàng nhà nước và luật pháp. Đến hết ngày 29/5, Sacombank có tổng vốn huy động là 61.763 tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay là 39.610 tỷ đồng, tăng 15,4% so với đầu năm.

Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (HT1) báo cáo kết quả kinh doanh tháng 4 của đơn vị lỗ 7,3 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 lỗ khoảng 15 tỷ đồng. Tuy nhiên theo giải trình của Hà Tiên 1, nguyên nhân lỗ là do giá clinker sản xuất tăng 8% cùng các chi phí sản xuất đầu vào khác cũng điều chỉnh theo làm cho giá thành sản xuất xi măng vượt 5% so với tháng 4. Trong khi đó giá bán nguyên liệu xây dựng này lại không được tăng theo yêu cầu của Thủ tướng nhằm thực hiện chính sách kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) Phạm Minh Tuấn thì bày tỏ sự trăn trở với nhà đầu tư khi cho biết rằng, "công ty vẫn hoạt động tốt, nhưng giá cổ phiếu lại giảm liên tục". Vào đầu năm 2008, TSC có giá 93.000 đồng một cổ phiếu, nhưng hiện chỉ còn 43.700 đồng.

Do đó, vị lãnh đạo cấp cao của công ty đã cam kết với nhà đầu tư rằng, sẽ tiếp tục duy trì kết quả hoạt động kinh doanh và trả mức cổ tức dự kiến năm nay 50%.

Vn-Index kết thúc phiên hôm nay chỉ còn 395,66 điểm. Ảnh: Hồng Phúc.

Trao đổi với VnExpress, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) Lê Nhị Năng cho biết, theo quy định của Bộ Tài chính, các công ty niêm yết phải giải trình về việc giá cổ phiếu liên tục giảm sàn, dù thị trường có biến động như thế nào.

Theo ông Năng, mục đích việc giải trình nhằm xác định nguyên nhân giá cổ phiếu đi xuống là do doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có vấn đề, hay chịu sự tác động chung của thị trường. "Dù là nguyên nhân khách quan bên ngoài tác động hay do những biến động xấu của doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đơn vị cũng phải công bố theo quy định của Bộ Tài chính", ông Năng nhấn mạnh.

Với quan điểm cho rằng việc giải trình lý do cổ phiếu giảm giá hiện thiên về hình thức nhiều hơn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đại Việt Lâm Minh Chánh cho rằng, hiện nay nguyên nhân khiến giá chứng khoán đi xuống là do tâm lý nhà đầu tư và yếu tố thị trường chi phối, khiến hàng loạt mã chứng khoán giảm giá liên tiếp.

Ông Chánh cũng cho biết thêm, việc yêu cầu giải trình giá chứng khoán giảm liên tiếp trên 10 phiên (trước đây 5 phiên) chỉ phù hợp ở những thời điểm chứng khoán biến động lên xuống chứ không tuột hẳn một đường như hiện nay.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam thì nhìn nhận, đã là quy định thì HOSE nói riêng và các công ty niêm yết nói chung cần thực hiện, không thể "lúc thị trường nóng thì theo, còn lạnh thì bỏ qua".

Theo ông Huy Nam, đây cũng là dịp để các công ty niêm yết nói lên tiếng nói của mình, rằng nếu hoạt động sản xuất kinh doanh không vấn đề gì, mà do thị trường chứng khoán tác động thì cổ phiếu doanh nghiệp cũng không tránh khỏi xu thế giảm điểm. Như vậy, phía công ty có cơ hội để xác định khả năng hoạt động của mình chứ không chỉ giải trình mang tính hình thức.

Bạch Hường - Vnexpress