Chỉ số VN-Index giảm sâu đến 60% chỉ trong vòng 5 tháng.

Nhiều công ty niêm yết vẫn “khoẻ”, nhưng giá cổ phiếu lại rớt xuống thấp xa giá trị sổ sách mà vẫn bị ế. Tại sao vậy? Có cách nào để “cứu” thị trường? Chuyên gia chứng khoán Huy Nam đã có một cuộc trao đổi khá thú vị và thẳng thắn, liên quan đến những vấn đề rất đáng quan tâm của thị trường.

Thưa ông, ông có nhận định gì về tình hình thị trường hiện nay?

Thị trường đã biến thể từ tình trạng bi quan sang co cụm. Biểu hiện suy giảm kéo dài về giá, về quy mô và tương quan giao dịch còn cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư đã suy sụp đến mức đáng ngại. Sự rút lui là có thật, chứ không đơn thuần là phản ứng bi quan nhất thời. Tình hình này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt.

Những ảnh hưởng đó là gì, thưa ông?

Thứ nhất và trực tiếp là với nhà đầu tư. Tình trạng thua lỗ kéo dài và tăng nặng, vượt sức chịu đựng của nhà đầu tư. Điều này đồng thời sẽ gây thiệt hại cho ngành kinh tế chứng khoán non trẻ của nước nhà do niềm tin hao mòn và khả năng hồi phục bị thử thách.
Thứ hai, nền kinh tế sẽ mất cơ hội hay chậm nhận được nguồn vốn đầu tư tài chính đáng kể từ nước ngoài (FPI).
Thứ ba, khả năng huy động vốn nói chung và tiến trình CPH doanh nghiệp nhà nước nói riêng, có thể bị ảnh hưởng bất lợi nếu không có những thay đổi căn bản về cách làm.

Theo những gì mà ông vừa phân tích thì tình hình là đáng lo. Nhưng cũng có người cho đây là bình thường, ông nghĩ thế nào?

Tôi cho đây là tình trạng không bình thường. Một thị trường mà chỉ số bị giảm sâu đến 60% trong vòng 5 tháng (tính từ đầu năm 2008) là khó tưởng tượng. Một thị trường mà giá cổ phiếu nhiều công ty niêm yết đang “khoẻ” lại rớt xuống thấp xa giá trị sổ sách mà vẫn bị ế là không bình thường. Thị trường đột nhiên “mất lửa”, cứ mở cửa là ám ảnh đỏ sàn, lại đồng loạt kịch sàn liên tục hàng tháng thì làm sao mà gọi là bình thường được.

Vậy do đâu mà thị trường Việt Nam lại lâm vào tình cảnh nặng nề vậy, thưa ông?

Ảnh hưởng kinh tế thế giới và trong nước chỉ là một phần. Điều cần lưu ý, giá cả (hay chỉ số) cổ phiếu sụt giảm do tình hình kinh tế khó khăn tác động thường là sự điều chỉnh có tính phản ứng hay so kè giữa kỳ vọng và cơ hội. Nếu chỉ số rớt quá 20% trong 1 quý là bất thường. Sự sụt giảm dai dẳng và quá sâu của VN-Index như vậy thiên hẳn về phía nội tại thị trường.
Ví dụ, thị trường không chấp nhận giá cao mà anh cố chào sàn giá cao thì giá rớt và chỉ số bị níu xuống là lỗi tại anh. Theo tôi, vấn đề nội tại vận động và vận hành là nguyên do quan trọng cần được chú ý và thẳng thắn nhìn nhận. Lỗi nội tại và chất lượng thị trường là những thứ phải được xem xét.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Có thể tóm gọn, đó là sự bất cân xứng về quyền lợi giữa công chúng đầu tư và doanh nghiệp huy động vốn, giữa khách đầu tư và các doanh nghiệp đóng vai trung gian (dù không phải tất cả).
Việc khai thác nguồn vốn công chúng thái quá (đến tùy tiện) làm xấu đi trật tự minh bạch, giá trị nội tại của cổ phiếu bị bất ổn - giá trị cổ phiếu đáng ra sẽ “đậm” lên theo sự lớn mạnh của doanh nghiệp lại có thể bị may rủi hay lệ thuộc vào sự “toan tính” của doanh nghiệp! Sự phất nhanh của nhiều thành viên thị trường không làm cho chất lượng phục vụ tốt hơn mà đôi khi là ngược lại…
Nhiều nhà đầu tư bị thua thiệt gần đây đã đặt câu hỏi: “Chúng tôi thua hết, vậy thì ai được lợi?”. Lời đáp thường giống nhau và cũng chẳng khó đoán là ai…
Tình hình như vậy đã tạo ra sự phát triển méo lệch, đã bỏ quên hướng đáng lẽ phải tập trung: đó là, độ lớn nhà đầu tư và độ mạnh quy mô giao dịch (thanh khoản). Sự nghèo nàn về dịch vụ và nghiệp vụ hỗ trợ là ý khác.
Nhà đầu tư quá ít cơ hội và điều kiện chọn lựa. Thị trường đơn sơ, đơn điệu nên cuộc chơi cứ xập xình, kém hấp dẫn. Đến khi biên độ thu hẹp thì sân chơi như khép lại, bế tắc thật sự… Để tháo dỡ bế tắc:

Phải chăng thị trường lâm vào cảnh “bế tắc”?

Là do thị trường bị kìm hãm nên mất thanh khoản. Lúc đầu, tâm lý nhà đầu tư bị phân cực với ảo tưởng bao cấp khi họ tin vào khả năng sẽ được bảo vệ, bức tranh giao dịch do vậy lập tức trắng bên bán và thị trường như đứng lại. Tuy nhiên, thực tế sau đó cho thấy không phải bảo vệ mà chỉ là siết chặt.
Siết chặt là không có thị trường, vậy thì mua làm gì, vậy là trắng mua… Lúc này nhà đầu tư hoặc thấy không còn hứng thú hoặc lo bị kẹt lâu đã tranh nhau bán, đẩy giá chứng khoán rớt dài. Tâm lý tháo chạy này không cần các bi quan kinh tế khác vẫn diễn ra, như đã từng diễn ra. Điều này giải thích cho câu hỏi tại sao giá cổ phiếu đã quá hời mà nhà đầu tư vẫn hờ hững

Nhiều người cho rằng nên mở biên độ lệch dương, ông có nhận định thế nào về ý kiến này? Và để hoá giải bế tắc, theo ông, ta cần làm gì?

Không nên mở biên độ lệch, vì nó trái với nguyên lý vận động quân bình vốn có và cần có để ổn định thị trường. Không nên đơn giản mở đầu này chặn đầu kia, vì như vậy sẽ tệ hại hơn, do một nửa bao cấp được tô đậm lộ liễu. Đừng nghĩ chặn lại thì người ta sẽ giữ. Không, vì trong TTCK, việc chặn hay đóng - mở tùy tiện có nghĩa là gò bó làm ăn, thu hẹp hưng phấn, khó tính toán, sợ bị kẹt… và không ai muốn bị “chôn” vốn hết.

Theo tôi, nên trả biên độ về như cũ, cụ thể là HOSE +/-5% và HASTC+/-10% thì thị trường sẽ sinh động lại. Khi cơ hội mở ra thì các nhà đầu tư chuyên làm ăn trên thị trường này sẽ quay lại.
Đừng cố giữ những người muốn tháo chạy, chỉ căng thẳng thêm thôi. Cứ mở ra, anh nào dám giảm 5% hay 10% để rút thì cứ việc… Thế nhưng, vấn đề biên độ chỉ có thể hoá giải tình trạng bế tắc, thị trường còn cần một gói nỗ lực nữa thì mới mong đạt phong độ bền vững.

Ông có thể nói thêm về “gói” nỗ lực ấy?

Do sự suy yếu và ảm đạm hiện nay còn là sự tích tụ của nhiều nguyên nhân và vấn đề sâu xa, thị trường cần nhanh chóng nhận được nhiều sự cải thiện hơn. Rất nhiều việc cần làm.
Ví dụ, việc chấn chỉnh khâu phát hành và thị trường sơ cấp; bỏ hình thức đấu giá như cách “chơi bài tố” hiện nay. Thay vào đó, hãy để các nhà chuyên nghiệp (investment banker/underwriter) vào làm việc này theo quy ước cạnh tranh, bảo lãnh và bao mua. Ngay như các cổ đông chiến lược, khi muốn mua cổ phiếu một doanh nghiệp, cũng qua các đầu mối này để làm due diligence (thẩm định) và mua cho họ, chứ không ai tự mình đi mua liều với bất cứ giá nào.
Việc này sẽ giúp cho các công ty chứng khoán có điều kiện tự nâng cấp mình. Nhiều hoạt động khác cũng cần được chấn chỉnh, ví dụ như hoạt động tự doanh và đạo đức môi giới…
Ở thị trường sơ cấp, việc phát hành riêng lẻ và quy định niêm yết không thể chỉ là cái bước qua đơn giản như hiện nay. Hoặc, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi mà giá chuyển đổi bằng mệnh giá thì chẳng khác chủ thể phát hành đã cài cái bẫy phá giá vào cổ phiếu của mình… Cũng cần bỏ hẳn việc gọi và sử dụng con số vốn điều lệ bằng tiền đối với công ty cổ phần.
Vì con số này đã vô nghĩa trong mọi trường hợp ứng dụng hay để đánh giá, lại còn tạo ra nhiều cách hiểu, cách làm tùy tiện, mà vấn đề vốn thặng dư là một ví dụ.
Thị trường cũng cần nhiều “tiện ích” hỗ trợ chuyên nghiệp chuyên ngành khác để thoát cảnh thô sơ. Nên nghiên cứu chuẩn định và ứng dụng hợp đồng tùy chọn (options), hợp đồng mua bán tạm (repo và reverse repo). Cần sớm cho vận hành nghiệp vụ bảo chứng (margin account/short sale) thay cho cách vay tươi như Chỉ thị 03.
Mặt khác, để thị trường có điều kiện phục hồi và phát triển, việc hoãn áp dụng thuế thu nhập đối với đầu tư chứng khoán cần được đặt ra như một chính sách. Bởi, khi nhà đầu tư chịu đưa tiền vào doanh nghiệp, tích cực với CPH, chịu chi cho công ty chứng khoán… sẽ cho nguồn thu tốt hơn việc trực tiếp thu của họ. Điều này có ý nghĩa nuôi dưỡng, khi thị trường đã có vài ba triệu tài khoản thì ta thu sẽ thuyết phục hơn.

Từ thực tế này, ở giác độ một chuyên gia, ông dự báo tương lai thị trường sẽ như thế nào?

Tình hình thị trường như hiện nay thật khó để dự đoán. Mặc dù khả năng bị ảnh hưởng bởi tình trạng kinh tế chung vẫn còn đó, nhưng nếu ta nhanh chóng “mở rào” biên độ, quyết tâm sửa lỗi nội tại, bơm thêm sức sống cho thị trường, tăng cơ hội cho nhà đầu tư… thì tôi tin thị trường sẽ phục hồi tốt.
Đừng nghĩ nhà đầu tư không biết hay “chê” cơ hội này. Họ đang chờ đợi và quan sát thôi… Tín hiệu cải cách nội tại lúc này có giá trị như lời mời nhà đầu tư hãy trở lại thị trường. Tôi tin là họ sẽ hưởng ứng. Vì cơ hội đầu tư không nằm ở vàng, ở USD, gửi tiết kiệm… Cơ hội đầu tư có thể còn ẩn ở địa ốc, nhưng lại như đang vẫy gọi ở chứng khoán…

Theo Hồng Oanh
ĐTCK