Tâm điểm trong tuần qua là sự cố hy hữu trên sàn TP HCM và Quốc hội chất vấn Chính phủ về tình hình thị trường. Thông tin được mong chờ trong tuần tới: Giải pháp "đỡ" chứng khoán.

Xung quanh sự cố khiến Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM phải ngừng giao dịch trong ba ngày và diễn biến của Vn-Index sau khi giao dịch trở lại đều có nhiều ý kiến khác nhau. Phần lớn cho rằng xu hướng của thị trường sẽ không thay đổi nhiều sau biến cố trên.

Tranh thủ sự kiên sàn Hose tạm nghỉ, "chợ" chứng khoán Hà Nội đã trở nên tấp nập hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn lượng cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn Hastc đã tăng mạnh. Trong ba phiên giao dịch gần đây, khối lượng khớp lệnh toàn sàn Hà Nội đạt khoảng 8 triệu đơn vị, bằng tổng khối lượng của hơn một tuần trước đó cộng lại.

Trong không khí đó, nổi lên vai trò dẫn dắt của đại gia ACB, cổ phiếu này đã được giao dịch tới 2 triệu đơn vị chỉ trong ba ngày gần đây. Nếu chỉ tính trong khoảng thời gian trên, lượng giao dịch này chiếm 25% tổng giao dịch toàn sàn Hastc.

Thận trọng xem xét xu hướng thị trường trước khi ra quyết định vẫn là lời khuyên dành cho các nhà đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà.

Không chỉ nâng cao tính thanh khoản, Hastc-Index đã hãm bớt đà giảm khá nhiều. Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 29/5, lần đầu tiên trong hơn một tháng Hastc-Index khi đóng cửa chỉ giảm 0,46%. Suốt thời gian một tháng trước đó, mức giảm luôn trên dưới 1,5% trong mỗi phiên giao dịch. Thậm chí trong phiên giao dịch này, có những thời điểm Hastc-Index đạt giá trị dương. Kết thúc hai phiên giao dịch gần đây, trên sàn Hà Nội thường xuyên có trên dưới 20 mã tăng điểm - một con số được coi là khả quan trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể tình hình thị trường vẫn khá "bi đát". Sau một tuần giao dịch chỉ gồm 2 phiên, Vn-Index đã lùi thêm hơn 14 điểm, tổng lượng giao dịch đạt 4,15 triệu đơn vị, giảm tới hơn 15 triệu đơn vị so với tuần trước. Những cổ phiếu được trao đổi nhiều nhất là VIC, DPM, SSI.

Chỉ số Hastc sẽ bước sang tuần mới với mức tham chiếu là 119,31 điểm, mức giảm trong cả tuần xấp xỉ 9 điểm. Khối lượng khớp lệnh trong tuần qua đạt 8,86 triệu đơn vị, tăng mạnh khoảng 5 triệu đơn vị so với tuần trước. Đứng đầu về tính thanh khoản, sau ACB, là HNM và BMI.

Đánh giá về thị trường, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Chứng khoán nói, sự cố trên sàn Hose thực tế sẽ không tác động nhiều đến xu hướng của thị trường. Lượng giao dịch nhộn nhịp trên sàn Hà Nội trong 3 ngày gần đây cho thấy một nhóm các nhà đầu tư đã quay lại thị trường. Tuy nhiên lượng mua này vẫn nhỏ hơn nhiều so với lượng bán ra. Theo chuyên gia trên, thậm chí lượng bán trong những ngày vừa qua còn mạnh hơn thông thường do nhiều nhà đầu tư tranh thủ bán khi thấy lượng cầu tăng. Vì vậy xu hướng chung trong thời gian tới vẫn sẽ là xu hướng bán mạnh hơn mua.

Tuy đã được "nghỉ ngơi" 3 ngày, Vn-Index vẫn chưa "lại sức" và sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong tuần tới. Chừng nào các ngân hàng vẫn còn bán cổ phiếu giải chấp, chừng đó xu hướng thị trường tại cả hai sàn vẫn không đổi.

Vị chuyên gia trên cũng cho biết, giao dịch mạnh ở cổ phiếu ACB là rất đáng chú ý. Tuy nhiên, chắc chắn các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không thể tạo ra được sự đột biến về khối lượng như vậy. Do đó các nhà đầu tư không nên chỉ căn cứ những dấu hiệu khả quan ở blue chip này mà nên quan sát xu hướng chung của toàn thị trường trước khi thực hiện giao dịch.

Tâm điểm trong tuần tới sẽ là những giải pháp có thể được áp dụng để hỗ trợ thị trường. Trong đó nổi lên phương án trả lại biên độ dao động như cũ là 5% cho sàn TP HCM và 10% cho sàn Hà Nội. Giới đầu tư cũng quan tâm tới chất vấn của Quốc hội với Chính phủ liên quan đến thị trường chứng khoán.

Xuân Hòa - Vnexpress