Chứng khoán Mỹ tiếp tục chịu ảnh hưởng xấu từ giá dầu leo thang, sự đi xuống của cổ phiếu ngân hàng, và cổ phiếu ngành sản xuất xe hơi. Tuy nhiên, các tập đoàn năng lượng đã có những bước tiến đang kể giúp cho ngày đầu tuần của chứng khoán Mỹ không ảm đạm.

Sau ngày hôm qua 23/6, chỉ số công nghiệp Dow Jones gần như "đứng yên" tại mức tham chiếu 11,842,36 điểm. Chỉ số Standard & Poor tăng nhẹ 0,01% lên mức 1.318,00 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq chốt tại 2.385,74 điểm, mất 0,85%.

Cổ phiếu của các ngân hàng và tập đoàn sản xuất ôtô tiếp tục làm buồn lòng các nhà đầu tư.

Ngân hàng Citygroup thông báo phải cắt giảm 10% nhân sự trong số 65.000 nhân viên của tập đoàn này. Đây là một biện pháp nhằm giúp tập đoàn này chống chịu lại những khó khăn do khủng hoảng tín dụng thời gian vừa qua. Thông tin trên đã tạo áp lực lên giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng lớn khác như JP Morgan Chase, Bank of America, và Merrill Lynch.

Dù có rất nhiều tin xấu nhưng sự trở lại của nhiều nhà đầu tư khi Dow Jones giảm xuông dưới 12.000 điểm đã tránh cho chứng khoán Mỹ một phiên giảm mạnh. Ảnh: cache.daylife.com
Sự trở lại của nhiều nhà đầu tư khi Dow Jones giảm xuông dưới 12.000 điểm đã tránh cho chứng khoán Mỹ một phiên giảm mạnh.
Ảnh: cache.daylife.com.

Cổ phiếu của Genaral Moto (GM) mất 6,4%, xuống mức thấp nhất trong vòng 33 năm qua, sau tuyên bố giá một số mẫu xe của GM sẽ được nâng lên trong năm 2009. Cùng mất điểm như GM, một đại gia khác trong ngành công nghiệp xe hơi là Ford đã phải tạm hoãn đưa ra thị trường mẫu xe tải cho năm 2008. Tập đoàn này còn cho biết thêm những khoản lỗ trong năm nay còn lớn hơn năm ngoái.

Tin xấu từ ngành công nghiệp sản xuất ôtô vẫn chưa hết khi hai tổ chức đánh giá tín dụng là Moody và Standard & Poor cùng hạ mức điểm đánh giá về tình hình nợ của các tập đoàn GM, Ford, và Chrystler xuống mức nguy hiểm.

Giá dầu hôm qua tăng 1,38 đôla lên mức 136,74 đôla một thùng.

Dù sao dầu đi lên cũng giúp cho cổ phiếu ngành dầu khí như Exxon Mobil tăng điểm. Hơn nữa, sau khi phố Wall giảm mạnh vào tuần trước xuống dưới 12.000 điểm, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua, nhiều nhà đầu tư đã có động thái mua vào. Sự kết hợp của hai yếu tố trên đã giúp chứng khoán Mỹ tránh được một phiên giảm sâu.

Thứ ba 24/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tổ chức cuộc họp kéo dài trong hai ngày, thứ ba và thứ tư. Sau cuộc họp này, giới phân tích nhận định có lẽ Chủ tịch FED ông Ben Bernanke cùng các giám đốc nhà băng sẽ quyết định giữ nguyên lãi suất như hiện nay. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng lãi suất sẽ được nâng lên nhằm chống lại lạm phát. Đây là những thông tin sẽ rất được chờ đón trong những ngày tới.

Trong khi chứng khoán Mỹ gần như đứng nguyên thì thị trường châu Âu tăng điểm đồng loạt. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,83%. Vai trò dẫn dắt thuộc về cổ phiếu các công ty dầu khí và khai khoáng. Phiên tăng điểm này đươc cho là do phản ứng mua vào của các nhà đầu tư sau những tuần giảm mạnh truớc đó. Chỉ số DAX của Đức tăng 0,17%. Tại Pháp chỉ số CAC 40 lên thêm được 0,05%.

Trái với những diễn biến tại châu Âu, các chỉ số chính của chứng khoán châu Á đều đi xuống. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 0,61%. Chỉ số tổng hợp Shang Hai của Trung Quốc bị trừ đi tới 2,53%. Hàn thử biểu của chứng khoán Hong Kong, chỉ số Hang Seng cũng suy giảm 0,13%.

Xuân Hòa (Theo CNN)