Giá dầu thô nhẹ tại thị trường New York giảm xuống chỉ còn 122 đôla một thùng khiến cho cổ phiếu ngành năng lượng và khai khoáng trên thế giới bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, những vấn đề liên qua tới tín dụng và lạm phát tại Mỹ cũng khiến cho phố Wall có một ngày giao dịch không suôn sẻ.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 12,37 điểm, tương đương 0,1%, đóng cửa tại 12.390,48 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 sụt nhẹ 0,03% xuống mức 1.377,2 điểm. Trái với diễn biến của hai chỉ số trên, chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 0,91% lên mức 2.503,14 điểm.

Ngày 4/6, chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng tư sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke cho biết tình trạng lạm phát tại Mỹ đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Ông Benanke cũng e ngại rằng những tổn thất về tín dụng sẽ lại có tác động xấu lên ngành tài chính.

Cổ phiếu tài chính giảm ngày thứ ba liên tiếp do những lo lắng về những tổn thất tín dụng có thể tồi tệ hơn dự tính. Ông Victor Pugliese, lãnh đạo cấp cao tại Broadpoint Securities, cho biết, giới đầu cơ đang rất quan tâm đến khả năng FED có thể nâng lãi suất và liệu tình trạng lạm phát đình đốn có thể xảy ra.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng trở lại sau hai ngày giảm nhờ vào những nhận xét tích cực của những nhà môi giới về các nhà sản xuất chip. Nhiều chuyên gia nhận định sự tăng của các cổ phiếu này còn bắt nguồn từ việc giới đầu tư chuyển sang mua cổ phiếu công nghệ để tránh rủi ro có thể gặp phải từ những vấn đề liên quan tới tài chính. Ngoài ra, cổ phiếu của ngành dịch vụ và khu vực kinh tế tư nhân cũng đã có dấu hiệu hồi phục khá tốt.

Giá xăng tại Mỹ phá kỷ lục lần thứ 27 liên tiếp trong hai 28 ngày. Giá trung bình của loại nhiên liệu này tại Mỹ đã tăng lên mức 3,983 đôla một galon. Trong khi đó dầu thô giảm hơn 2 đôla xuống chỉ còn 122,3 đôla một thùng tại Sở Giao dịch New York.

Dù giá dầu giảm nhưng các thị trường chưng khoán lớn vẫn mất điểm. Ảnh: jamestown.org
Dù giá dầu giảm nhưng các thị trường chưng khoán lớn vẫn mất điểm. Ảnh: jamestown.org

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 1,59%. Trong đó, nổi lên vai trò dẫn dắt của Honda Motor Co, hãng vừa công bố doanh số bán hàng rất tốt tại Mỹ trong tháng năm, và Fast Retailing Co Ltd, cổ phiếu may mặc này tăng tới 11,3%, mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm.

Trái với diễn biến tại Nhật, chỉ số Hang Seng của Hong Kong và tổng hợp Shang Hai của Trung Quốc giảm lần lượt 1,04% và 1,93%. Sự sụt giảm của hai thị trường này đều có nguyên nhân từ sự đi xuống của cổ phiếu viễn thông và cổ phiếu của các nhà sản xuất dầu.

Thị trường châu Âu, sắc đỏ bao trùm các thị trường lớn. Trong đó nhóm các cổ phiếu khai khoáng tại thị trường này cùng sụt giảm mạnh vì giá dầu đi xuống. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 1,45%. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,38%. Chứng khoán Đức cũng mất điểm khi chỉ số DAX của nước này đi xuống 0,77%.

Xuân Hòa (theo Reuters)