Hôm qua, phần lớn các chỉ số chính của thị trường Mỹ tăng điểm, chốt lại một tháng nhiều thăng trầm cho chứng khoán Mỹ. Các thị trường lớn khác tại châu Á và châu Âu, nhìn chung đều được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm cũng như những thông tin tốt của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ số Standard & Poor 500 cộng thêm 0,15%, đạt mức 1.400,38 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 0,06% xuống 12.638,32 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq đóng cửa tại 2.522,66 điểm, tăng 0,57%.

Lợi nhuận của Dell đã tăng vọt nhờ vào việc cắt giảm chi phí sản xuất, cũng như doanh số rất tốt tại các thị trường nước ngoài. Cổ phiếu của Dell tăng tới 5,7% đóng vai trò dẫn đầu cho nhóm cổ phiếu công nghệ.

Trong tháng năm, chỉ số Dow Jones giảm 1,4%, trong khi hai chỉ số Nasdaq và S&P 500 tăng lần lượt là 4,5% và 1%.

Giá dầu có ảnh hưởng lớn đến diễn biến của chứng khoán thế giới trong tháng 5. Ảnh: formula1.com
Giá dầu có ảnh hưởng lớn đến diễn biến của chứng khoán thế giới trong tháng năm. Ảnh: formula1.com

Phố Wall trong tháng năm vừa qua đã có khá nhiều biến động. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường vẫn là sự tăng giảm của giá dầu. Tuần trước chứng khoán giảm khi dầu thô lập kỷ lục 135 đôla một thùng. Sau những ngày cuối tuần và thêm một ngày nghỉ lễ, thị trường đã tăng trở lại khi đồng đôla lấy lại được sức mạnh của mình cũng như giá dầu chứng lại và đi xuống.

Suốt một tháng qua, kinh tế Mỹ đã đón nhận nhiều thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Một số bản báo cáo gần đây cho thấy GDP quý I của kinh tế Mỹ tốt hơn dự kiến, thu nhập và chi tiêu của người dân dân Mỹ cùng tăng 0,2%. Bên cạnh đó vẫn có những dấu hiệu cho thấy lạm phát vẫn chưa được kiểm soát, kèm theo đó là tâm lý quá nhạy cảm của người tiêu dùng, và sự sụt giảm trong sản xuất của nền kinh tế.

Ông Tom Hepner, nhà tư vấn tài chính tại Ruggie Wealth Management, nhận định những bản báo cáo về cơ bản vẫn chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang khá "uể oải".

Dù sao thị trường chứng khoán đã hồi phục từ giữa tháng 3 đến nay nhờ vào niềm tin rằng những điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tín dụng đã đi qua. Xen lẫn trong quá trình hồi phục của chứng khoán Mỹ là những phiên giảm điểm vì biến động thất thường của giá dầu.

Trong ngày đầu tiên của tháng sáu, kinh tế Mỹ sẽ đón nhận những con số về chi phí dành cho xây dựng cũng như sản xuất.

Tại châu Á, chứng khoán Hong Kong tăng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cộng thêm 0,61% và đóng cửa tại 24.533,12 điểm, giảm 0,07% so sau một tuần giao dịch.

Trong đó cổ phiếu của các nhà cung cấp năng lượng và cổ phiếu của các công ty lọc dầu tăng điểm sau khi có những dự đoán cho rằng Bắc Kinh sẽ tăng giá điện và giá xăng dầu nhằm khắc phục tình trạng sử dụng năng lượng một cách lãng phí.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng thêm trong ngày thứ sáu 1,52%, giúp chỉ số này cộng thêm 2,33% so với tuần trước, kết thúc giao dịch ở mức 14.338,54 điểm, mức cao nhất của chỉ số trên kể từ tháng 1. Cổ phiếu của Yamaha, công ty sản xuất xe máy lớn thứ hai thế giới, tăng mạnh nhất trong bảy tuần qua nhờ vào sự tăng giá của đồng đôla so với đồng Yên. Bên cạnh đó, dầu thô vẫn giảm giá và thông tin khá khả quan của kinh tế Mỹ đã giúp chứng khoán nhật duy trì đà lên điểm của ngày trước đó.

Tại Trung Quốc, chỉ số tổng hợp Shang Hai tăng thêm 0,94%, đánh dấu mức tăng 1,13% so với tuần trước.

Tại châu Âu vào hôm qua, chứng khoán Anh giảm 0,24%. Ở một diễn biến ngược lại thị trường Pháp và Đức tăng lần lượt 0,77% và 0,59%.

Kết thúc tuần qua, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,55%. Nhờ việc giá dầu giảm xuống chỉ còn khoảng 127 đôla một thùng, kèm theo những tin tức tốt từ bên kia bờ đại tây dương, chỉ số DAX của Đức tăng 2,19% và chỉ số CAC 40 của Pháp cũng leo thêm được 1,63%.

Xuân Hòa