Thứ sáu 13/6, là một ngày được coi là rất "nhọ" theo văn hóa phương tây, hóa ra là một ngày may mắn khi chứng khoán VN có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp, từ đó khép lại một tuần với những phiên giao dịch đáng nhớ.

Diễn biến trong tuần qua chắc chắn là rất khả quan với giới chứng khoán. Trong hai ngày đầu tuần, trên cả hai sàn vẫn không có gì thay đổi so với tuần giao dịch trước đó khi cổ phiếu vẫn liên tiếp mất điểm. Tuy nhiên trong phiên giao dịch giữa tuần, thị trường đã có một bước tiến đáng kể cả vể khối lượng, giá trị và số mã tăng điểm.

Hai phiên tăng điểm vào thứ năm, và thứ sáu đã giúp Vn-Index sau một tuần chốt tại mức 372,68 điểm chỉ còn giảm gần 1,7%, tương đương 6,44 điểm. Tín hiệu này đã hãm bớt và hứa hẹn sẽ chặn đứng đà giảm kéo dài gần hai tháng của hàn thử biểu. Ngoài ra, điều rất đáng mừng nữa cho chứng khoán Việt Nam là tính thanh khoản, đặc biệt là của giao dịch khớp lệnh, đang được cải thiện sau từng ngày .

Mong rằng sự hồ hởi của các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục trong tuần tới. Ảnh: Hoàng Hà.

Sau năm phiên vừa qua, tổng cộng đã có tới hơn 39,3 triệu đơn vị cổ phiếu được trao tay với tổng giá trị hơn 1.451 tỷ. So với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng thêm gần 20%. Giao dịch báo giá 30,3 triệu đơn vị, chiếm tỷ trọng 77% trong tổng lượng giao dịch.

Số lệnh được khớp trong tuần đạt 31.679, cao gần gấp bốn lần so với tuần trước. So sánh tương quan giữa tổng số lệnh khớp và tổng lượng cổ phiếu được giao dịch trong tuần, giá trị trung bình của một lệnh trong tuần này nhỏ hơn so với tuần trước.

Một chuyên gia chứng khoán nhận xét, đó có thể là dấu hiệu cho thấy hoạt động mua bán của các cá nhân đang tăng lên. Theo vị chuyên gia trên các nhà đầu tư nhỏ ít vốn và nắm lượng cổ phiếu cũng ít hơn so với các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, hay các doanh nghiệp.

Tuy nhiên với đặc điểm là chiếm nhiều tài khoản cùng sự tích cực và linh hoạt trong giao dịch, chính đối tượng này mới là những người tác động nhiều tới tính thanh khoản của thị trường. Hơn nữa, khác với các nhà đầu tư lớn vốn đôi khi chọn hình thức giao dịch thỏa thuận để tránh tác động tới giá cổ phiếu, các tài khoản nhỏ giao dịch chủ yếu qua “cửa” giao dịch khớp lệnh nên vai trò của họ rất quan trọng trong việc quyết định xu hướng của Vn-Index cũng như sự vận hành của thị trường chứng khoán.

Chỉ cần các nhà đầu tư các nhân ngừng mua bán, rút khỏi thị trường để lại sân chơi cho những "ông lớn", chắc chắn nền chứng khoán nước nhà sẽ có nguy cơ sụp đổ. Thời gian gần đây, theo ghi nhận tại các công ty chứng khoán, lượng tiền đổ về các tài khoản đang ngày một nhộn nhịp cùng với sự đi lên của số tài khoản mới. Những dấu hiệu này phần nào cho thấy người dân đang quay trở lại thị trường.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở quận 1 TP HCM nhận xét, thị trường chứng khoán có dấu hiệu tích cực qua vài phiên, nhưng chưa thể khẳng định được chứng khoán cả hai sàn đã hồi phục thật sự. Những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn đó, lạm phát chưa hoàn toàn được kiểm soát. Việc lên điểm của Vn-Index có thể do nhà đầu tư đã nhận thấy giá chứng khoán đã rất rẻ, cho nên mua vào.

Chứng khoán Việt Nam hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý. Phần lớn lượng mua vào trong những ngày qua là những nhà đầu tư cũ mà "máu chứng khoán đã ăn sâu vào họ", chứ không có "tân binh" tham gia, vị chuyên gia này cho biết.

Khối ngoại tuần qua cũng đã giảm bớt việc bán trái phiếu. Lượng mua vào và bán ra dưới cả hai hình thức khớp lệnh và thỏa thuận là khá cân bằng. Trong 5 ngày liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 6,37 triệu đơn vị và bán ra 5,05 triệu đơn vị cổ phiếu qua giao dịch khớp lệnh. Thông qua giao dịch thỏa thuận, lượng mua vào và bán ra của cổ phiếu và trái phiếu cũng chỉ là 3,23 triệu và xấp xỉ 4 triệu đơn vị. Chênh lệch về giá trị giữa mua và bán cũng ít hơn rất nhiều so với tuần trước.

Động thái này của nhà đầu tư ngoại phần nào xua tan đi nỗi lo về một cuộc tháo chạy của họ khỏi thị trường Việt Nam. Một cán bộ tại một công ty chứng khoán cho biết có lẽ tâm lý nhóm nhà đầu tư này đã được trấn an khi Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng các biện pháp bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã có tác dụng.

Trước đó nhà đầu tư trong và ngoài nước khá hoang mang trước một bản phân tích được cho là của JP Morgan về triển vọng u ám của kinh tế vĩ mô của Viêt Nam. Tuy nhiên, việc vị kinh tế trưởng của JP Morgan đích thân đính chính rằng tổ chức này không hề đưa ra nhận định như trên rõ ràng đã có tác dụng tích cực lên tâm lý của giới đầu tư.

Danh sách những cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong tuần qua đón chào sự trở lại vị trí dẫn đầu của những tên tuổi lớn là SSI, STB, DPM.

Mã CK Số phiên giao dịch KLGD Bình quân GTGD (tr.đ)
STB 5 5,421,970 1,084,394 113,886
DPM 5 2,803,990 560,798 100,096
PPC 5 1,535,280 307,056 38,702
VFMVF1 5 1,381,590 276,318 13,131
SSI 5 1,095,590 219,118 31,181

Sau những ngày khá "đau thương", chứng khoán nước nhà khép lại một tuần bằng việc bước qua ngày thứ sáu 13/6, ngày được coi là ngày xấu dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, một cách suôn sẻ. Một nhà đầu tư vui vẻ nói rằng: "coi như mọi sự tồi tệ nhất đã qua, mong rằng sau những tháng ngày "bĩ cực" sẽ là một triển vọng tươi sáng hơn cho các nhà đầu tư".

Xuân Hòa - Bạch Hường