Khi mà các cổ phiếu tài chính nói riêng và hiện trạng kinh tế Mỹ nói chung vẫn khiến giới đầu tư đau đầu, thì dầu giảm là động lực chính giúp phố Wall hồi phục.

Trong số các chỉ số chính tại phố Wall chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng mạnh nhất 1,33%, đóng cửa tại 2.426,06 điểm. Các chỉ số Dow Jones chốt tại 12.063,09 điểm, Standard & Poor đang có giá trị 1.342,83 điểm. Hai chỉ số trên tăng lần lượt 0,28% và 0,38%.

Nguồn cảm hứng cho chứng khoán Mỹ khởi sắc trong ngày thứ năm 19/6 là sự sa sút của giá dầu. Tại thị trường New York giá một thùng dầu thô chỉ còn 131,93 đôla một thùng, giảm 5 đôla, sau khi có những thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ giảm bớt nhu cầu về năng lượng trong thời gian tới.

Giá dầu điều chỉnh giảm khá mạnh trong vài ngày gần đây là một dấu hiệu tốt cho phố Wall. Ảnh: www.richard-seaman.com
Giá dầu điều chỉnh giảm khá mạnh trong vài ngày gần đây là một dấu hiệu tốt cho phố Wall. Ảnh: richard-seaman.com.

Chính phủ Trung Quốc vừa cho hay nước này có thể sẽ nâng trợ cấp về xăng và dầu diesel. Đây là một bước đi được cho là sẽ giảm tải nhu cầu dầu cho thế giới, giúp giảm bớt giá loại nhiên liệu này.

"Dễ thở" nhất đương nhiên là các công ty vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đối tượng mà doanh thu chịu tác động trực tiếp từ giá dầu. Nhưng sự đi lên của các blue chip cũng phần nào bị cản trở bởi cảnh báo của Citygroup. Tập đoàn này có thể có kết quả kinh doanh quý II nghèo nàn do những vấn đề liên quan tới cầm cố cũng như các chỉ số sản xuất chính đi xuống.

Ông Ron Kiddoo, nhà chiến lược đầu tư tại Cozad Asset Management, cho hay thông tin giá dầu hạ là rất tích cực cho chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên theo ông, thị trường đang rất nhạy cảm với những thông tin hằng ngày và sự hồi phục này có thể sẽ kết thúc nhanh chóng nếu những tín hiệu xấu xuất hiện.

Dẫu sao dầu thô đã có một bước lùi khá dài, sau khi lên đỉnh xấp xỉ 140 đôla một thùng, và còn có thể xuống thấp hơn trong một vài tuần tới. Đây có thể coi là thông tin hỗ trợ đáng kể cho phố Wall trong những ngày tới.

Chứng khoán Châu Á đồng loạt đi xuống. Tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 2,2%. Tỷ giá giữa đồng yên và đôla đóng vai trò quyết định cho việc xuất khẩu của quốc đảo này ra thị trường thế giới. Việc đồng yên đứng giá trong khi đôla suy yếu, do kinh tế Mỹ gặp khó khăn, đã đẩy cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn như Toyota, Honda, Cannon xuống sâu hơn, kéo theo sự giảm điểm của toàn thị trường.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 2,3%. Diễn biến này phản ánh sự thất vọng của các nhà đầu tư tại đặc khu kinh tế này trước việc Bắc Kinh đã không có một biện pháp cụ thể nào để kích thích thị trường cổ phiếu tại Đại lục cũng như tại Hong Kong. Chứng khoán Trung Quốc vẫn cho thấy những diễn biến thất thường khi chỉ số tổng hợp Shang Hai giảm 6,54% sau khi tăng manh hơn 5% vào phiên trước đó.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,84%. Bất chấp những nét tích cực về doanh số bán lẻ cũng như cổ phiếu năng lượng và khai khoáng lên điểm, ngành tài chính suy giảm đã khiến hàn thử biểu của chứng khoán nước này mất điểm theo. Tại Đức, chỉ số DAX hạ xuống 0,12%. Tương tự như hai thị trường trên, chứng khoán Pháp nhuộm màu đỏ khi chỉ số CAC 40 giảm 0,59%.

Xuân Hòa (Theo CNN)