Dự đoán đáy hay đỉnh của chỉ số Vn-Index, bên cạnh việc dựa vào phương pháp phân tích kỹ thuật, còn phải tính đến một yếu tố khá quan trọng nữa là các mức điểm chẵn.

Theo chuyên gia chứng khoán Lưu Trung Dũng, Công ty Đào tại Đầu tư DoBF, các mốc chẵn có ý nghĩa tâm lý khá quan trọng trong dự đoán, vì các nhà đầu tư thường thích một số dễ nhớ và... đẹp. Những số điểm tròn trăm hoặc chục dễ để lại dấu ấn cho họ. Nhiều người có xu hướng đưa ra quyết định giao dịch khi các chỉ số tiến gần mốc dự đoán.

Ông Dũng lấy ví dụ, từ tháng đầu tháng 4 cho tới tháng 9 năm ngoái, chỉ số Vn-Index đã liên tiếp hai lần bị chặn dưới tại ngưỡng 900 và cũng ngần ấy lần "đè" trên tại 1.100.

Một vị chuyên gia khác lại cho rằng giao dịch bán sẽ được đẩy mạnh khi Vn-Index xuống sâu hơn ngưỡng tâm lý hoặc ngược lại, hoạt động mua có thể sẽ mạnh hơn nếu giá chứng khoán ở trên các mốc này. Suy luận này phần nào được kiểm chứng khi chỉ số Vn-Index tăng "phi mã" sau khi vượt qua ngưỡng 500 vào cuối năm 2007. Ở một diễn biến ngược lại, sau 2 lần phá ngưỡng 900 không thành công, ở lần lần thứ ba xuống dưới giá trị 900, Vn-Index đã "đi một lèo" xuống tận 370,5 mà không có mấy cơ hội quay đầu.

Trong xu hướng giảm dài hạn, thì những điểm chống đỡ hoặc kháng cự hữu hiệu quan sát được cũng đều nằm ở các mức chẵn trăm.

Cụ thể là giữa tháng 3/2008, Vn-Index sau khi giảm liên tiếp 8 phiên đã tăng liền hơn 10 phiên, ngay khi tiếp cận mức 500. Cách đó gần một tháng, sau khi giảm 17 phiên, hàn thử biểu đã bật trở lại khi vừa chớm xuống dưới mức 600 điểm. Đây cũng là hai lần hàn thử biểu tăng trong ngắn hạn đáng kể nhất kể từ khi thị trường điều chỉnh giảm.

Anh Huy Đức, một nhà đầu tư cho hay qua quan sát của anh các chỉ số thường chỉ đạt gần mức chẵn được dự đoán trước mà thôi. Trong nhiều trường hợp đỉnh thường thấp hơn và đáy thường cao hơn mức dự đoán một chút.

Điều này thể hiện qua quá trình hình thành đỉnh của Vn-Index vào 3/2007. Vào thời điểm đó, phần đông các nhà đầu tư đều tin rằng 1.200 sẽ là một mức kháng cự rất quan trọng. Mối quan tâm của nhiều nhà người là nên làm gì khi Vn-Index tiệm cận mốc 1.200.

Một số nhà đầu tư có thói quen rút sớm khỏi thị trường khi hàn thử biểu tiếp cận những mốc chặn bước ngoặt. Ảnh: Hoàng Hà.
Một số nhà đầu tư có thói quen đặt lệnh bán khi hàn thử biểu tiếp cận những mốc chặn có tính bước ngoặt. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo lý thuyết, nếu hàn thử biểu của thị trường vượt quá 1200, một ngưỡng tâm lý, thì nó sẽ lại tăng tiếp để hướng tới các mốc cao hơn, như 1.250 hay 1.300 chẳng hạn. Tuy nhiên trước mốc 1.200 này chắc chắn một số nhà đầu tư khôn ngoan sẽ ra tay trước để tránh rủi ro. Đó là vì nếu ôm cổ phiếu để chờ xem Vn-Index có qua mức 1.200 không, nhỡ Vn-Index không vượt qua "cửa ải" này, ai cũng đổ xô đi bán thì nhà đầu tư sẽ khó khăn khi giải ngân. Việc một số người nhanh chân rút khỏi thị trường phần nào là lý do khiến hàn thử biểu của chứng khoán Việt Nam có đỉnh là 1.170 điểm thay vì 1.200 điểm.

Tương tự như vậy, tại một giá trị chẵn 350 điểm của chỉ số Vn-Index, phần đông "dân" chứng khoán đều cho là giá cổ phiếu tại mốc này đã rất hợp lý. Nhưng nếu ai cũng chờ cho Vn-Index xuống đến ngưỡng này và đổ xô đi mua thì chắc chắn tình trạng "cháy hàng" sẽ xảy ra. Thế nên việc các nhà đầu tư bắt đầu có phản ứng trước khi hàn thử biểu chạm mốc này, cụ thể là tại mức điểm 370,5 là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Theo anh Đức với khoảng cách 20 điểm trước mốc 350, Vn-Index, nếu cứ giữ đà giảm trước đó, sẽ chỉ cần khoảng 4 phiên để phá tan mốc này. Giả sử nhà đầu tư mua vào ở mức 370, họ sẽ có 4 phiên, tính theo luật T+3 khi mua cổ phiếu mới, để kiểm nghiệm liệu Vn-Index đã dừng ở mức 350 chưa.

Anh Đức cũng nhấn mạnh rằng, đối tượng mua vào giai đoạn này sẽ là những nhà đầu tư vẫn đang nắm cổ phiếu. Căn cứ vào vài phiên giao dịch gần đây với tính thanh khoản tăng mạnh ở các mã trung bình và nhỏ, nhóm đối tượng này hoàn toàn có thể bán ngay cổ phiếu cũ để giảm rủi ro trong trường hợp nỗ lực đảo chiều của thị trường không thành.

Xuân Hòa-Vnexpress