Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng quốc doanh phải ngừng việc giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán (hợp đồng mua bán chứng khoán có kỳ hạn). Riêng với các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), Ngân hàng Nhà nước không có quyền bắt buộc mà đã có thông báo tới Hiệp hội Ngân hàng để hiệp hội này vận động các hội viên (các ngân hàng TMCP) thực hiện như các ngân hàng quốc doanh.

Biện pháp này được thực hiện nhằm giảm lượng cổ phiếu bị "xả hàng" ào ạt trên thị trường, giúp ổn định thị trường chứng khoán theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước "cuộc vận động" đó, các ngân hàng TMCP dường như không mấy đồng thuận. Lãnh đạo của một ngân hàng TMCP cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước có vận động thực hiện đi chăng nữa nhưng trong trường hợp giá của cổ phiếu mà ngân hàng cầm cố đã giảm quá mức cho phép thì để đảm bảo an toàn, ngân hàng vẫn phải giải chấp nếu người vay không bổ sung thêm tài sản cầm cố.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nói: "Nếu việc ngừng giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán mà cứu được chính ngân hàng mình thì mình mới làm, chứ nếu mình mà "chết" thì làm sao được".

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP khác có trụ sở tại TP.HCM thì hồ nghi về tính hiệu quả của việc "vận động". Theo ông này, việc vận động các ngân hàng cũng giống như việc hình thành một liên minh không có các điều kiện ràng buộc về mặt pháp lý. Trong khi đó, anh nào cũng phải lo lợi ích của mình trước nên rất nhiều khả năng dù vận động có được sự đồng thuận về nguyên tắc thì sau đó "thể nào các thành viên cũng xé rào do quyền lợi cá nhân cao hơn quyền lợi tập thể". Ông này nhận xét: "Kêu gọi đồng ý thì có thể được nhưng hành động thì khó lắm nên khả năng thành công chỉ ở mức khiêm tốn".

Tuy nhiên, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại cho rằng, tuy chỉ là "vận động" nhưng vì lợi ích của chính mình, các ngân hàng nên làm trong lúc này. Ông Bằng nhấn mạnh: "Ngân hàng phải thấy được nếu họ tiếp tục yêu cầu giải chấp thì giá cổ phiếu sẽ xuống. Giá xuống thì rủi ro của ngân hàng trong cầm cố cũng tăng lên". Nếu các ngân hàng đồng thuận với ý kiến ông Vũ Bằng, chặn được nguồn cung từ nguồn này thì thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ "ấm dần".

(Theo ThanhNien)