Sau khi mốc 500 điểm bị chọc thủng vào phiên giao dịch sáng thứ ba, việc thu hẹp đáng kể biên độ trở thành yếu tố chủ yếu giúp Vn-Index tăng liên tiếp trong 3 ngày.

Tiếp nối đà tụt dốc tuần trước, khởi động phiên giao dịch đầu tuần, Vn-Index lùi lại 521,26 điểm và nhanh chóng giảm mạnh xuống còn 496,64 điểm ngay phiên hôm sau. Lệnh mua tung ra bao nhiêu đều khớp bấy nhiêu. Nhận định giá cổ phiếu trở nên rẻ, một số người chuyển sang ý định "đầu tư dài hạn" vì bán ra cũng lỗ, thà giữ lại hưởng cổ tức hằng năm tương tự như gửi ngân hàng.

Nhằm ngăn đà sụt giảm của chứng khoán đang “nhăm nhe ngưỡng đốt sàn”, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường. Trong đó, đáng kể nhất là việc áp dụng biên độ dao động mới đối với giá cổ phiếu và chứng chỉ quỹ ở hai sàn Hà Nội và TP HCM được điều chỉnh xuống còn 2% và 1% thay vì 10% và 5% như trước đây, khi thị trường ổn định sẽ điều chỉnh trở lại như cũ.

Biện pháp này nhằm giúp các nhà đầu tư trấn tĩnh lại, không bán tháo cổ phiếu nữa, giảm bớt hiện tượng nhà đầu tư lướt sóng… Mặt khác, giải pháp ổn định ngắn hạn thị trường chứng khoán này cũng ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người tham gia, vì chứng khoán không còn mang lại lợi nhuận "đậm" như trước. Một số nhà đầu tư thậm chí cho rằng biện độ thu hẹp như vậy cũng không khác đóng cửa thị trường là bao nhiêu.

Biện pháp trợ giúp đã chứng tỏ hiệu quả khi vực dậy 3 phiên giao dịch tiếp theo, màu xanh phủ đầy bảng điện tử, Vn-Index từng bước nhích lên: 504,57 điểm, 508,75 điểm và khép lại tuần giao dịch với 512,7 điểm.

Các nhà đầu tư vẫn tỏ ra hết sức cẩn trọng. Họ quan sát xem động thái mua vào xuất phát từ đâu, băn khoăn liệu mua vào tiếp thời điểm này có là quyết định sáng suốt không. Một nhà đầu tư nhận xét: “Vn-Index đảo chiều do có bàn tay con người can thiệp chứ không phải do quy luật cung – cầu chi phối”. Một số tuyên bố rút khỏi chứng khoán.

Sức mua nhiều hơn nhưng lại quá ít lệnh được bán ra, trái ngược hoàn toàn với phiên giao dịch một tuần trước đó, khiến rất ít lệnh được khớp. Không khí phiên giao dịch hai ngày cuối tuần trở nên tẻ nhạt.

Khối lượng và giá trị giao dịch trong tuần khá thấp và giảm dần, đặc biệt là phiên giao dịch hôm qua với 2,7 triệu đơn vị giao dịch qua khớp lệnh.

Nhà đầu tư nước ngoài có vẻ cũng đang cân nhắc tình hình khi số lượng mua vào cũng như bán ra của họ không ổn định. Nếu phiên giao dịch sáng thứ ba họ mua nhiều hơn bán thì phiên ngày thứ năm họ lại bán ra nhiều. Giao dịch mua bán bình quân trong tuần đạt 2,5 triệu đơn vị.

Tương tự tại sàn TP HCM, sau hai phiên đầu tuần giảm điểm, chỉ số Hastc-Index của sàn Hà Nội đã đi lên theo biên độ giao dịch mới được xác lập là 2%. Hastc-Index chốt phiên cuối tuần ở 178,58 điểm, tăng 0,02 điểm so với phiên đầu tuần, nhưng tăng đến 12 điểm so với phiên giảm sâu vào ngày thứ ba. Giá trị giao dịch 2 ngày cuối tuần giảm mạnh, không quá 800.000 đơn vị, trong khi 3 ngày trước đó, bình quân đạt đến 6 triệu đơn vị mỗi ngày.

Theo công bố của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng đầu năm tăng 9,19%, vượt qua tốc độ tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch của cả năm, lạm phát trở thành bài toán hóc búa. Giới chuyên gia nhận định, kiểm soát và giám sát tiền tệ là điểm quan trọng trong kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trong tuần các thành viên Hiệp hội ngân hàng phía Nam đã đi đến thống nhất lãi suất trần huy động tiền USD và tiền đồng giảm xuống còn 6% và 11%.

(Theo VnExpress)