Có nóng vội không khi đề cập đến khả năng trả lại biên độ giao dịch 5% cho sàn Tp.HCM và 10% cho sàn Hà Nội?

Câu hỏi này xuất phát từ thực tế mong đợi của một số nhà đầu tư trước diễn biến giao dịch hiện nay.

Thị trường dường như đang có một số yếu tố tích cực. Trước hết, phiên hôm nay chỉ số giá tại hai sàn đều tiếp tục tăng điểm như xu hướng cuối tuần qua. Đặc biệt, gần 100% mã niêm yết tại hai đầu cầu cùng đạt mức giá trần.

Phiên hôm nay tiếp tục thể hiện quyền định hướng thị trường thuộc về người bán. Đà bán ra cuối tuần qua của khối đầu tư nước ngoài không mảy may cản trở lệnh tranh mua ồ ạt ngay từ đầu phiên.

Trên sàn Tp.HCM, một phiên đầu tuần hiếm thấy khi bảng giao dịch trống tuyệt đối lượng dư bán. Cung trở nên khan hiếm đã lôi kéo một số mã giảm hoặc đứng giá giữa phiên về cùng một phía 100% mã tăng trần.

Tuy nhiên, biên độ quá thấp khiến thay đổi giá hạn chế, ý nghĩa của mức tăng trần không còn nguyên vẹn. Từ đây áp lực muốn tăng mạnh đang định hình trong tâm lý nhiều nhà đầu tư, đi cùng với mong đợi trả lại biên độ cũ.

Biên độ cũ chỉ được trả lại khi thị trường thực sự ổn định và có những giải pháp hỗ trợ phát huy hiệu quả. Thời điểm này, những điều kiện đó đang hình thành.

Thứ nhất vẫn là gói giải pháp của Chính phủ. Thứ hai là xu hướng mua vào cổ phiếu quỹ cực mạnh từ doanh nghiệp niêm yết. Thứ ba, niềm tin đang dần trở lại khi đà giảm được “bảo hộ”. Và tất nhiên, giá chứng khoán xuống thấp cũng là một tham khảo cần thiết để thúc đẩy mua vào.

Ngoài ra, Thủ tướng vừa có một bài viết chi tiết, thể hiện quan điểm rõ ràng của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế, đặc biệt là về mục tiêu kiềm chế lạm phát và việc điều chỉnh lại một số mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh hiện nay, kiềm chế được lạm phát sẽ cắt bớt lo ngại lớn nhất của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc định hướng điều chỉnh lại một số mục tiêu kinh tế vĩ mô cũng đã nằm trong yêu cầu của giới đầu tư, chuyên gia đặt ra trước đó, để phù hợp hơn với thực tế thị trường và điều chỉnh các chính sách điều hành.

Nhưng việc trả lại biên độ cũ thời điểm này đứng trước nhiều rủi ro. Bỏ “phao”, đà suy giảm có tái diễn, thị trường có tự thân phục hồi? Diễn biến những phiên vừa qua có bền vững hay chỉ mang tính thời điểm và phản ánh tác động của biên độ hẹp? Và giải pháp giảm biên độ có bị lạm dụng, nếu với biên độ cũ thị trường lại tiếp tục suy giảm?...

Những câu hỏi trên vẫn khó trả lời. Ủy ban Chứng khoán sẽ không nóng vội để đánh cược với rủi ro.

Nhưng theo một số phân tích vừa qua, với những thông tin hỗ trợ, những giải pháp mà Chính phủ triển khai, nếu phối hợp thêm cam kết ngừng giải chấp của các ngân hàng thương mại, thì có thể bắt đầu tính đến việc trả lại biên độ cũ.

Tuy nhiên, trước phiên giao dịch hôm nay, một số thông tin bất lợi vẫn có khả năng ảnh hưởng xấu đến thị trường. Đó là lo ngại khả năng vốn ngoại thoái trào dẫn đến tỷ giá tăng mạnh. Nhưng lo ngại này đã được Ủy ban Chứng khoán kiểm chứng ở thông tin công bố cuối tuần qua.

Ngoài ra, thị trường lại vừa rộ lên suy đoán về những mảng tối đầy tiêu cực, liên quan đến những cổ phiếu, đến công ty chứng khoán nào đó không xác định, được đề cập đến trên phương tiện thông tin đại chúng. Từ đây khó tránh khỏi tâm lý bi quan, hoang mang của một số nhà đầu tư.

Bỏ qua những ảnh hưởng trên, phiên hôm nay cả hai sàn đều tăng điểm theo giới hạn biên độ cho phép. VN-Index tăng 4,15 điểm (0,8%), lên 516,85 điểm. HASTC-Index tăng 2,85 điểm (1,6%), lên 181,43 điểm. Và không bất ngờ khi khối lượng và giá trị giao dịch vẫn ở mức thấp: Tại HOSE là 4,83 triệu đơn vị, 360 tỷ đồng; tại HASTC là 693,8 nghìn cổ phiếu, 29,5 tỷ đồng.

(Theo TBKTVN)