Việc các ngân hàng cổ phần bán tháo các cổ phiếu cầm cố được xem là nguyên nhân chính đẩy kênh chứng khoán lâm vào khủng hoảng.

Mới đây, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước và vận động các ngân hàng cổ phần chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán để ổn định thị trường. Tuy nhiên, giải pháp này xem ra không khả thi.

Vận động là chính

Bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết hiệp hội đã vận động các hội viên ngưng giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán trong thời gian này. Còn các ngân hàng thành viên có làm theo hay không lại tùy thuộc mỗi đơn vị tính toán trên khối tài sản của mình.

Theo bà, thời gian qua chỉ có các công ty chứng khoán bán mạnh cổ phiếu cầm cố ra chứ khối ngân hàng cổ phần dù có bán nhưng không nhiều, do đó bà nghĩ các thành viên trong hiệp hội sẽ ủng hộ giải pháp này.

Về các biện pháp hỗ trợ khi ngân hàng tham gia vào việc ngưng giải chấp các hợp đồng cầm cố chứng khoán mà gặp khó khăn trong thanh khoản, trong các giải pháp của Chính phủ cũng có nêu.

Đó là Ngân hàng nhà nước sẽ cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9% khi các ngân hàng thương mại không thể đi vay ở kênh khác với mức lãi suất này. Đồng thời sẽ mua vào ngoại tệ cho các ngân hàng với tỷ giá thích hợp, kể cả ngoại tệ từ nguồn đầu tư gián tiếp.

Tuy nhiên, các ngân hàng cổ phần đang đắn đo nếu ngừng bán cổ phiếu cầm cố mà lại rơi vào tình trạng nợ xấu thì sao? Theo quy định, các ngân hàng cổ phần mà có nợ quá hạn ở mức 5% thì sẽ rơi vào tầm kiểm soát của Ngân hàng nhà nước.

Bà Hương cho biết trong trường hợp nếu có ngân hàng cổ phần nào đó rơi vào tình trạng nợ xấu do ủng hộ các giải pháp trên thì có thể Ngân hàng nhà nước sẽ xem xét khi xử lý. Đây chỉ là giả thuyết, còn hiện nay Ngân hàng nhà nước chưa có chủ trương này.

Không thể không bán cổ phiếu ra

Nhiều ngân hàng cổ phần cho biết vẫn tiếp tục thanh lý số cổ phiếu cầm cố nếu giá chứng khoán tiếp tục rớt mạnh. Bởi vì nếu không bán ra thì đống cổ phiếu cầm cố này chắc chắn sẽ là gánh nặng, là món nợ xấu trong khi nhiều ngân hàng lực vẫn còn yếu, nhất là khối ngân hàng nông thôn mới nâng cấp lên đô thị.

Ông Đặng Quốc Tiến - Giám đốc Ngân hàng Quân đội Chi nhánh TP.HCM nói thẳng đây chỉ là vận động chứ không phải là luật, nên có bán chứng khoán cầm cố ra hay không là quyền của mỗi ngân hàng. Vì sự an toàn của mình, các ngân hàng cổ phần sẽ phải bán cổ phiếu cầm cố nếu giá cổ phiếu cứ rớt dưới mức quy định.

Ông Lưu Đức Khánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình cũng cho rằng có thể các ngân hàng sẽ ủng hộ các biện pháp của Chính phủ nhưng nếu các chứng khoán này rớt giá quá nhiều, ngân hàng cũng sẽ phải bán tháo ra để thu hồi vốn.

Giám đốc một ngân hàng TMCP tại TP.HCM cho rằng nếu cứ vận động suông mà không đưa ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể thì khó mong nhận được sự ủng hộ. Ví dụ, yêu cầu ngân hàng vào cuộc vực kênh chứng khoán nhưng lại giữ lộ trình buộc đến năm 2010 các ngân hàng phải nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.

Theo ông này, trước kia thị trường chứng khoán Hong Kong cũng lâm vào tình cảnh tương tự như Việt Nam hiện nay và Ngân hàng trung ương nước này đã ngay lập tức nhảy vào cho các ngân hàng vay ưu đãi để họ ngừng bán cổ phiếu cầm cố.

(Theo PhapLuat)