Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các Ngân hàng Hội viên thực hiện rà soát và tính toán việc chưa giải chấp hợp đồng cầm cố và repo chứng khoán.

Đó là nội dung Công văn số 126/HHNH-NV của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa ban hành, kêu gọi các Ngân hàng Hội viên thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1909/VPCP-KTTH ngày 25/3/2008 về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán.

Công văn nêu rõ, nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi và rất mong nhận được sự ủng hộ từ các Ngân hàng Hội viên thực hiện rà soát và tính toán việc chưa giải chấp hợp đồng cầm cố và repo chứng khoán, góp phần ổn định thị trường chứng khoán nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 1909/VPCP-KTTH nói trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9% khi ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản tạm thời mà không thể đi vay ở các kênh khác với mức lãi suất 9%. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh mua vào ngoại tệ, tạo thêm thuận lợi cho việc chuyển đổi vốn, giảm bớt căng thẳng vốn VND tại các ngân hàng thương mại.

Trước mắt, tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước đã thắp thêm hy vọng cho nhà đầu tư, khi một nguyên nhân chính của đà sụt giảm chứng khoán vừa qua là từ lượng hàng lớn từ hoạt động giải chấp của các ngân hàng thương mại.

* Vì sao chưa giải chấp hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán?

Theo qui định của các công ty chứng khoán, khi nhà đầu tư cầm cố cổ phiếu để vay tiền, trường hợp giá cổ phiếu giảm quá 35% thì người vay phải nộp thêm tiền đảm bảo khoản vay. Trường hợp khách hàng không có khả năng nộp thêm thì công ty chứng khoán vì lý do phải bảo toàn vốn và tuân thủ các qui định về phòng ngừa rủi ro nên phải bán chứng khoán đã cầm cố để thu hồi vốn. Đây là trường hợp bất khả kháng.

Tuy nhiên, việc liên tục bán ra chứng khoán cầm cố dẫn đến vượt quá sức mua của thị trường càng làm giá chứng khoán giảm thêm. Từ đây dẫn đến tình trạng: Khi giá chứng khoán giảm thêm càng làm số hợp đồng cầm cố chứng khoán phải "xử lý” tăng lên, kéo lượng chứng khoán bán ra tăng bất thường vượt quá sức cầu của thị trường, kéo giá giảm...

Đó là nguyên nhân đẩy giá chứng khoán giảm liên tục trong thời gian từ 24/3 trở về trước. Nếu các ngân hàng và công ty chứng khoán tạm dừng giải chấp hợp đồng, khi đó cung cầu chứng khoán trên thị trường sẽ trở lại bình thường...

(Theo TuoiTre)