Giải chấp cầm cố và repo có liên quan gì đến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thời gian qua?

Trước diễn biến xấu của thị trường chứng khoán, ngày 25/3/2008, Văn phòng Chính phủ có công văn số 1909/VPCP-KTTH gửi các bộ ngành, thực hiện 6 biện pháp của Chính phủ đưa ra.

Một trong 6 biện pháp có liên quan đến thị trường chứng khoán là: “Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước và vận động các ngân hàng thương mại cổ phần quyết định chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo chứng khoán; cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9% khi ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản tạm thời mà không thể đi vay ở các kênh khác với mức lãi suất 9%”.

Vì sao phải tạm ngừng giải chấp?

Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 2875/NHNN-VP gửi các ngân hàng thương mại Nhà nước và VNBA, để thông báo ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ.

Vậy, giải chấp cầm cố và repo có liên quan gì đến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thời gian qua?

Ông Nguyễn Tiến H., Trưởng phòng Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia nói: “Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán sụt giảm liên tục và bất thường trong thời gian qua, nguyên nhân tâm lý chỉ một phần. Phần lớn do áp lực thu hồi nợ từ các ngân hàng đến các nhà đầu tư và công ty chứng khoán đối với cầm cố, repo chứng khoán”.

Theo đó, trong điều khoản của hợp đồng cầm cố hay repo giữa các bên đều có những thỏa thuận rõ ràng. Chẳng hạn, so với thị giá, khi cổ phiếu giảm dưới 15% (hoặc một tỷ lệ thỏa thuận bất kỳ), khách hàng phải tăng tài sản đảm bảo; giảm còn 60 - 70% phải trả nợ hoặc giảm sâu hơn trong khi khách hàng không thể trả nợ gốc và lãi thì ngân hàng sẽ bán cổ phiếu (nếu cầm cố tại ngân hàng) hoặc ép công ty chứng khoán bán cổ phiếu (nếu repo cổ phiếu tại công ty chứng khoán - repo chỉ áp dụng đối với cổ phiếu OTC) của nhà đầu tư để thu hồi vốn.

Theo ông H., diễn biến sụt giảm của thị trường chứng khoán gần đây chính là do hiện tượng “xả hàng” từ nguồn trên để trả nợ cho ngân hàng, chứ không hẳn do công ty chứng khoán bán cổ phiếu tự doanh như nhiều người nghĩ.

Xin đưa một ví dụ làm dẫn chứng. Nhà đầu tư Nguyễn Minh Huy (phường Thanh xuân Bắc - Thanh xuân - Hà Nội) phân trần: “Tôi vừa nghe nhân viên công ty chứng khoán nói là “anh ơi, đến nộp tiền đi, cổ phiếu của anh giảm giá quá rồi” nhưng sáng hôm sau đến công ty chứng khoán thì cổ phiếu của tôi đã bị bán sạch!”.

Trong lúc thị trường như hiện nay, có lẽ các công ty chứng khoán và ngân hàng thật khó làm khác, và họ buộc phải hành động theo cách để nguồn vốn không bị tổn thương.

Giật mình vì chuyện cho vay chứng khoán!

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho rằng: “Nếu các ngân hàng cứ dứt khoát giải chấp cầm cố và repo, sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường. Bởi vì lúc đó nguồn cung tăng lên, thị trường sẽ bị tác động tâm lý và nảy sinh hiện tượng bán tháo”.

Theo bà Xuyến, nếu những ngân hàng chưa vượt ngưỡng hạn mức cho vay chứng khoán (3%/vốn điều lệ) trong khi giá cổ phiếu mà ngân hàng đó nắm giữ chưa thực sự xuống dưới mức mà mình đã nhận cầm cố hay repo thì nên cho khách hàng vay lại và chưa nên thúc ép khách hàng trả nợ. Mặt khác, đối với những ngân hàng gặp khó khăn thực sự về nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ họ thông qua các kênh liên ngân hàng hay nghiệp vụ thị trường mở.

Giả định rằng, tình hình sẽ diễn biến thuận lợi: các ngân hàng thương mại tạm ngưng giải chấp cầm cố và repo, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ “cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9% khi ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản tạm thời mà không thể đi vay ở các kênh khác với mức lãi suất 9%” như chỉ đạo của Chính phủ, thì cũng chưa phải đã hết chuyện, mà xuất hiện một vấn đề khác liên quan đến cho vay chứng khoán từ một sự kiện ầm ĩ: Chỉ thị 03.

Tại thời điểm Chỉ thị 03 chưa bị thay thế bằng Quyết định 03, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu mỗi ngân hàng thương mại, định chế tài chính đến 31/12/2007 phải đưa dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán về con số 3%/tổng dư nợ.

Không ít ngân hàng thương mại đã sử dụng ảo thuật để làm đẹp con số này. Chẳng hạn, đẩy mạnh cho vay khác để làm giãn nở tổng dư nợ nhằm hợp thức hóa số tiền vượt quá 3% đã trót giải ngân. Hay như lập các đầu tư trên giấy nhưng tiền vay thì chảy vào chứng khoán…

Có lẽ, nếu không xuất hiện bối cảnh nền kinh tế đang lâm vào lạm phát và Ngân hàng Nhà nước phải thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, khiến nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng bị eo hẹp; chỉ số chứng khoán đang chui xuống… “gầm sàn” (chứ không phải xuống sàn) và nếu người người, nhà nhà vẫn trong ảo giác chơi chứng khoán để kiếm nhà hay ôtô… thì cả bên cho vay và bên vay sẽ thật khó hình dung quang cảnh chới với của thị trường chứng khoán khi ngân hàng đòi giải chấp như bây giờ.

Vì thế, khi ngân hàng thương mại đòi rút vốn, hậu quả đối với thị trường chứng khoán sẽ rất khó lường. Bởi theo lý thuyết số nhân tiền tệ “tiền đẻ ra tiền”, lượng tiền M1 từ các ngân hàng cung ứng cho thị trường chứng khoán, qua vòng quay, chúng sẽ đẻ ra một khối lượng tiền (M2) lớn khủng khiếp, có thể gấp 5 - 6 lần M1. Ước tính, con số này hiện tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong trường hợp thị trường chứng khoán đang hoạt động tốt, sẽ không vấn đề gì xảy ra nếu đến kỳ, ngân hàng thu nợ. Nhưng trong lúc thị trường chứng khoán diễn biến xấu, việc ngân hàng thu nợ sẽ lập tức tác động xấu đến thị trường. Ông Hoàng nói: “Nếu ngân hàng không ngừng giải chấp cầm cố, repo sẽ dẫn đến hiệu ứng domino: cứ bán ra, giá càng giảm; giá càng giảm, lại càng bán ra”.

Từ thực tế trên, với các ngân hàng quy mô vốn lớn, hạn mức cho vay chứng khoán chưa sử dụng hết, quản trị tín dụng tốt thì còn có thể tự bù đắp. Nhưng đối với một số ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản, trước đó lại trót “mông má” con số để “hài lòng” Chỉ thị 03 thì bây giờ mới là lúc nếm quả đắng.

Với các ngân hàng thương mại quốc doanh thì sao? Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, thị phần của các ngân hàng quốc doanh chiếm tới 57% trên thị trường tiền tệ. Mặc dù các ngân hàng này chỉ mới sử dụng hạn mức cho vay chứng khoán từ 1 - 2%/tổng dư nợ nhưng vì tổng dư nợ của các ngân hàng này quá lớn nên số tiền M1 cung ứng cho thị trường chứng khoán cũng rất lớn.

Đến đây, liệu có thể đặt một câu hỏi: nếu ngân hàng cứ cho vay chứng khoán theo sự phấn khích của các nhà đầu tư như thời điểm quý 2/2006, không hiểu câu chuyện giải chấp bây giờ sẽ đi đến đâu?

Và nếu giả định Ngân hàng Nhà nước thực hiện khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán thông qua việc bóc tách quy mô vốn, tình hình bây giờ đã có thể tốt hơn cho các ngân hàng quốc doanh?

(Theo TBKTVN)