Hoạt động M&A sẽ hình thành các công ty đủ mạnh, tăng khả năng cạnh tranh trong phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới.

Năm 2006, Việt Nam có 32 vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) với tổng giá trị 245 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2007 đã có 46 vụ giao dịch với tổng trị giá giao dịch lên tới 626 triệu USD. Dự báo, tốc độ phát triển của thị trường M&A sẽ tăng 30 -40%/năm. Đặc biệt, khi thị trường giảm, mức giá đã trở nên hợp lý hơn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động M&A trong năm nay.

Hoạt động M&A theo đánh giá chung, sẽ hình thành các công ty đủ mạnh, hoạt động có hiệu quả tăng khả năng cạnh tranh trong phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Các công ty sau khi thực hiện M&A thành công sẽ có tiềm lực mạnh hơn (vốn, lao động, các cơ sở vật chất, công nghệ và trình độ quản trị, thị trường, thương hiệu...) và từ đó sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Liên tục từ đầu năm đến nay, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam công bố bán cổ phần cho đối tác ngoại. Và không chỉ đơn thuần là bán cổ phần để lấy vốn đầu tư, các doanh nghiệp cũng rất "kén" đối tác để ngoài nguồn vốn, các doanh nghiệp Việt Nam còn mong muốn tiếp thu kỹ năng quản trị doanh nghiệp và mối quan hệ bạn hàng của đối tác.

Vừa công bố tiếp nhận vốn từ Tập đoàn Goldman Sachs (bán 30% cổ phần), ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Diana nhận định, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý quốc tế của Goldman Sachs sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Diana trong tương lai. Khoản đầu tư sẽ được Diana sử dụng để nâng cao công suất hiện tại và mở rộng sản xuất sang các mặt hàng khác.

Ngoài ra, cái được lớn hơn khi "bắt tay" với Goldman Sachs là Diana sẽ có một nhà tư vấn miễn phí về chiến lược phát triển kinh doanh ở Việt Nam và nước ngoài để trở thành một công ty quy mô quốc tế. Thông qua mạng lưới đầu tư toàn cầu và đa dạng của mình, Goldman Sachs cũng sẽ giới thiệu các mối quan hệ đầu tư và tài chính nhằm nhanh chóng phát triển doanh nghiệp. Goldman Sachs cũng sẽ yêu cầu và hỗ trợ Diana áp dụng các tiêu chuẩn quản trị và điều hành quốc tế giúp cho Diana phát triển vững mạnh.

Công ty DigiNet cũng vừa bán 5% cổ phần cho Quỹ Japan Vietnam Growth Fund (JVGF). Ông Trần Đào Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty nhận định, việc hợp tác với một đối tác chiến lược nước ngoài đánh dấu một bước phát triển mới của DigiNet. Với nguồn vốn bổ sung này, DigiNet sẽ đầu tư mạnh vào sản phẩm và dịch vụ. "Tuy nhiên, cái được lớn nhất mà DigiNet có được khi bán 5% cổ phần cho JVGF là cơ hội phát triển thị phần tại những thị trường mới. Trước mắt là các công ty có vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam và xa hơn nữa là thị trường Nhật Bản", ông Anh chia sẻ.

Hiện tại, DigiNet đang có khá nhiều khách hàng là các công ty của Nhật Bản như: Tosiba, Sanyo, Rinnai… Ông Kawasumi, Trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển Nhật bản (DBJ) tại Sigapore - một trong những thành viên của Quỹ JVGF cho biết, DBJ đang có khoảng 4.000 khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam và Ngân hàng sẽ giới thiệu các khách hàng này cho DigiNet. Ngoài ra, chính DBJ cũng sẽ xúc tiến tiếp thị các sản phẩm của DigiNet cho các khách hàng của mình ở cả Việt Nam và Nhật Bản.

Theo ông Mitsuo Marume, Chủ tịch HĐQT của World Link Japan (là thành viên tham gia vào Quỹ JVGF), trong chiến lược đầu tư tại Việt Nam, JVGF tập trung đầu tư vào các công ty có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn. Những doanh nghiệp có xu hướng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng là đối tượng quỹ này quan tâm. Ngoài ra, những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu là ưu tiên đầu tư của Quỹ.

Cho đến thời điểm này, Quỹ đã tham gia đầu tư vào 7 công ty Việt Nam thuộc lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất cửa sổ nhựa, công nghệ thông tin, chứng khoán… với số vốn 13 triệu USD. "Những nhà đầu tư Nhật Bản khi lập ra quỹ này là muốn tạo một cầu nối giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Thông qua quỹ này, các nhà đầu tư có thể giới thiệu các đối tác Nhật cho các công ty Việt Nam để hợp tác và chuyển giao công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm kinh doanh bên cạnh máy móc thiết bị", ông Mitsuo Marume nhấn mạnh.

(Theo DTCK)