Khi giá CK sụt giảm mạnh, nhiều lãnh đạo đưa ra các tuyên bố về cách “cứu” thị trường, bảo NĐT bình tĩnh... Liệu điều này có tạo ra một tiền lệ xấu đối với thị trường?

Nhà đầu tư có thông tin và không có thông tin

Nhà đầu tư không có thông tin rất dễ bị tổn thương do các tin đồn trên thị trường gây ra.

Ví dụ, khi có một tin đồn nào đó trên thị trường, như tin Chính phủ sẽ tung tiền ra cứu thị trường, các nhà đầu tư có thông tin, biết rằng Chính phủ không thể tung quá nhiều tiền ra, sẽ dùng chiến lược “nhử” nhà đầu tư không có thông tin bằng cách đưa ra các tin về việc Chính phủ sẽ mua những loại cổ phiếu nào, phóng đại quy mô về khả năng cứu thị trường của Chính phủ; thậm chí mua nhử vào vài cổ phiếu để đẩy giá lên.

Khi nhà đầu tư không có thông tin mắc bẫy, đẩy giá lên, thì nhà đầu tư có thông tin lại bán ra, “lướt sóng” kiếm lợi. Kết quả, người không có thông tin sẽ mắc bẫy và thua lỗ.

Điển hình ở nước ngoài, tin đồn về việc FED có khả năng cắt lãi suất đến 1 điểm phần trăm lan rộng trên thị trường đã gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư.

Vì kỳ vọng FED cắt lãi suất mạnh đến thế mà nhiều người đã đẩy giá đô la Mỹ xuống rất thấp và bán cổ phiếu ra nhiều trong vòng 24 giờ trước khi có thông tin chính thức về lãi suất.

Sau đó, người ta đã chứng kiến một sự hồi phục nhanh chóng của đồng đô la và cổ phiếu Mỹ trong khi có sự sụt giảm thê thảm của giá vàng và các loại ngoại tệ khác khi FED chỉ cắt 0,75 điểm phần trăm lãi suất và tăng cường bơm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Những người không có đầy đủ thông tin, không có những phân tích chuyên sâu hay kênh thông tin riêng là người bị thiệt hại trong vụ lên xuống rất nhanh của giá vàng, chứng khoán và ngoại tệ vừa rồi trên thị trường Mỹ vì họ bị rối loạn bởi các tin đồn trong điều kiện thị trường hỗn loạn.

Phát biểu của lãnh đạo có thể tạo điều kiện trục lợi trên thị trường

Phân tích trên cho thấy, những phát biểu của các cơ quan quản lý và những người lãnh đạo nền kinh tế hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho nhiều người trục lợi trên thị trường bằng cách đưa ra các tin đồn hoặc thực hiện những giao dịch làm mồi nhử nhằm lôi kéo số nhà đầu tư không có thông tin chạy vào thị trường đẩy giá lên hay kéo giá xuống, để làm lợi cho bản thân họ.

Sau đó, thị trường sẽ điều chỉnh lại khi các tin đồn đã được chứng thực và người bị thiệt hại chỉ là những nhà đầu tư không có thông tin, chạy theo tin đồn.

Ví dụ, khi có lãnh đạo bảo sẽ cố gắng không để thị trường giảm điểm nữa, đó là một cơ sở để nhiều người dựa vào mà “vẽ” ra không biết bao nhiêu thông tin về dự án can thiệp thị trường của Chính phủ. Và sẽ có nhà đầu tư thiếu thông tin, tin vào đó mà tham gia vào đội ngũ đẩy giá chứng khoán lên giùm các “đại gia”.

Theo thông lệ tại các thị trường phát triển, trên từng loại thị trường (ngoại hối, chứng khoán...), chỉ có một người phát ngôn chính được các nhà đầu tư đặt mối quan tâm và tin tưởng.

Ví dụ như Mỹ thì chủ tịch FED là người được các nhà đầu tư quan tâm phân tích từng câu chữ trong phát biểu. Phát biểu của những người đại diện kiểu này thường mang tính dự đoán được, như ông ta đưa ra quan điểm nếu lạm phát còn tăng, tôi sẽ xem xét tăng lãi suất hay không giảm lãi suất nhiều để đảm bảo lạm phát không cao; ngược lại, nếu lạm phát không quá cao, tôi vẫn có thể giảm lãi suất để kích thích kinh tế. Phát biểu thường đi kèm với các biện pháp cụ thể.

Ở ta, rất nhiều bộ, ngành, cơ quan quản lý đều có người phát biểu về thị trường chứng khoán, khiến cho nhà đầu tư rơi vào mê hồn trận thông tin chính sách, không biết đâu mà lần. Thế là chính sách vừa không dự báo được, vừa bị nhiễu loạn - một môi trường rất thuận lợi cho sự tồn tại của tin đồn và trục lợi.

Lấy ví dụ như vụ việc SCIC “cứu” thị trường vừa rồi, mấy ai có đủ thông tin để cân nhắc việc SCIC có tiềm lực tài chính bao nhiêu mà can thiệp vào thị trường trong khi không biết bao nhiêu tỉ đồng chứng khoán cầm cố đang bị áp lực bán ra.

Những người thiếu thông tin cứ cho rằng Nhà nước nhiều tiền lắm, SCIC nhiều tiền lắm, sẽ cứu được thị trường, để rồi vỡ mộng. Không biết bao nhiêu tin đồn đã đưa ra về việc SCIC sẽ mua cổ phiếu nào, mua ra sao.

Kinh nghiệm trước mắt ấy còn chưa qua, nay lại có một lãnh đạo bảo rằng Chính phủ cố gắng không để thị trường giảm điểm. Nhà đầu tư sẽ diễn dịch thông tin này như thế nào đây? Và nếu họ lại thất vọng một lần nữa, là nạn nhân của tin đồn một lần nữa, thì thị trường sẽ càng mất niềm tin.

Thị trường chứng khoán là dựa vào niềm tin, vì vậy xin đừng phá hỏng nó. Muốn cứu thị trường thật sự, cần phải có một hệ thống thông tin minh bạch, truyền thông chính sách rõ ràng, có cơ sở và có trách nhiệm.

Cuối cùng, thị trường chứng khoán còn non trẻ có thể ví như một đứa trẻ, không thể mãi bảo bọc cho nó, phải để nó tự phát triển và tự chịu trách nhiệm. Làm người giám hộ cho đứa trẻ, khi nó bị điểm kém thì đừng làm bài tập cho nó (chưa chắc người giám hộ làm đúng), mà phải làm gương, hành xử nhất quán và đúng mực, cho nó quen với kỷ luật, và đừng đánh mất niềm tin trẻ nhỏ bằng những lời hứa suông.

(Theo TBKTSG)