Việc TTCK sụt giảm thời gian qua phần lớn do ảnh hưởng bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Theo nhận định chung của các chuyên gia ngành chứng khoán tại Hội thảo “Thị trường vốn Việt Nam hướng đến tương lai” vừa được Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - châu Âu (VEUBF) tổ chức tại TP.HCM, chứng khoán giảm giúp nhà đầu có cái nhìn sâu hơn về thị trường.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, chỉ số VN-Index đã được đánh giá quá cao, nên việc điều chỉnh giảm thời gian qua để trở về giá trị thực cũng là điều phù hợp với thị trường và xu hướng tất yếu của nó.

Qua đó, chất lượng của các nhà đầu tư tham gia thị trường có thể thay đổi. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều quỹ tương hỗ (còn gọi là quỹ đại chúng) ra mắt thị trường để nhà đầu tư cá nhân có thể đầu tư thông quá các tổ chức này.

Ông Hùng cho biết, lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nươc sẽ nhanh chóng được triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm tăng lượng cung hàng hóa cho thị trường. Theo ông Hùng, ước tính trong năm qua, thị trường vốn Việt Nam đã thu hút khoảng 8 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Dự kiến trong tương lai, dòng vốn này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, ông thừa nhận, tỷ lệ lạm phát cao trong 3 tháng đầu năm 2008 sẽ là mối quan ngại cho nền kinh tế Việt Nam. Các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ phần nào ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường vốn, vì nhiều khoản tín dụng bị cắt giảm.

Theo phân tích của ông Mehta, Giám đốc điều hành về thị trường vốn nợ thuộc Ngân hàng Standard Chartered, hiệu ứng tác động dây chuyền của cuộc khủng hoảng giá nhà đất ở Mỹ, những xáo trộn trên thị trường tài chính... đã phần nào tác động đến kinh tế của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ông Mehta cho rằng, trong bối cảnh thị trường vốn đang có nhiều xáo trộn, cùng với sự thiếu hụt nguồn vốn, các công ty của Việt Nam cũng như nhà đầu tư nước ngoài rất cần đánh giá tình hình hiện tại của thị trường vốn và dự đoán hướng phát triển trong tương lai để đưa ra những chuẩn bị cho riêng mình.

Việc thị trường chứng khoán sụt giảm thời gian qua, theo ông Mehta, phần lớn do ảnh hưởng bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự không ổn định về tâm lý của nhà đầu tư cá nhân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến của thị trường.

Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) Fiachra Mac Cana nhận định, sở dĩ chỉ số giá tiều dùng (CPI) của Việt Nam leo thang trong những tháng đầu năm là do hậu quả của việc tăng trưởng tín dụng trong năm 2007.

Để kiềm chế lạm phát, trong những tháng đầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước ra sức rút tiền khỏi thị trường, dẫn đến tình trạng tăng lãi suất qua đêm và lãi suất vốn huy động. Thực tế, các ngân hàng đang thiếu cả VND lẫn USD. Điều này được chứng minh qua các cuộc chạy đua về lãi suất huy động VND và USD gần đây.

Cũng theo đánh giá của ông Mac Cana, Chính phủ có thể kiểm soát CPI bằng việc tăng giá VND. Theo ông Mac Cana, khi nào CPI bắt đầu giảm thì chứng khoán mới có thể hồi phục trở lại. Dự kiến, điều này sẽ xảy ra trong khoảng tháng 6/2008.

“Chứng khoán Việt Nam hiện còn phục thuộc vào sự dẫn dắt của một số cổ phiếu chủ chốt, như STB, SSI. Khi các cổ phiếu này ngừng giảm thì thị trường cũng sẽ ngừng giảm. Với các biện pháp khôi phục thị trường được đưa ra gần đây, việc bán ra 2 cổ phiếu này của nhà đầu tư có thể dừng lại sau khoảng 2 tháng kể từ cuối tháng 3/2008”, ông Mac Cana nhận định.

(Theo DauTu)