Thị trường chứng khoán càng lún sâu vào khủng hoảng, thì những lời kết án các nhà đầu tư nhỏ lại càng vang to hơn.

Thị trường có dao động mạnh thì giám đốc sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM phán: “Trong số họ (nhà đầu tư nhỏ lẻ) có rất nhiều người hiểu biết rất ít hoặc hoàn toàn chưa hiểu biết gì về thị trường. Họ đầu tư theo đám đông, theo phong trào, đã làm đợt sóng trên thị trường chứng khoán lớn hơn mức cần có của nó cũng như kéo dài hơn thời gian lẽ ra cần có của nó”.

Tình hình trầm trọng hơn, giám đốc trung tâm giao dịch chứng khoán phân tích: “tâm lý hoang mang của nhà đầu tư cá thể đã lan sang cả một số công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ”.

Và khi không còn xấu hơn được nữa, thì “các quỹ đổ lỗi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ”.

“Bản án” dường như được chính “bị đơn” – các nhà đầu tư nhỏ – im lặng chấp nhận.

Người viết muốn thay các bị đơn, thưa rằng, chính chính sách hạn chế dao động giá, cộng với quy định ưu tiên khớp giá trần/sàn theo khối lượng đã đẩy bị đơn đến cách hành xử dao động như chong chóng. Các “nguyên đơn” đang hưởng lợi trên hành xử và thiệt hại của bị đơn.

Giả sử lúc đầu, thị trường đang cân bằng xung quanh mốc 600 điểm. Các giao dịch chủ yếu là do nhu cầu thanh khoản khác nhau. Đột nhiên, có một tin đồn tốt (chẳng hạn, đầu tư nước ngoài cao hơn dự kiến), mà nếu được khẳng định thì sẽ khiến VN-index tiến lên 1.000 điểm.

Lúc tin được khẳng định thì chỉ những nhà đầu tư cần thanh khoản mới muốn bán (tất nhiên với giá trần). Còn lại, phần lớn mọi người cùng muốn mua với giá trần. Do quy định ưu tiên khớp lệnh giá mua trần cho lệnh mua có giá trị lớn, chỉ có các nhà đầu tư lớn mới mua được trước.

Nhà đầu tư nhỏ biết trước mình không đua được với các nhà đầu tư lớn, nên phải mua trước theo tin đồn, chấp nhận tin đó có thể sai (và do đó lợi nhuận ít hơn).

Các nhà đầu tư lớn, yên tâm với vị thế ưu đãi của mình, cứ thong thả chờ tin chính thức rồi mới hành động, ít bị rủi ro hơn. Khi thiên hạ chen nhau mua giá trần thì họ cũng đặt mua giá trần với khối lượng áp đảo, gạt lệnh mua của các nhà đầu tư nhỏ. Mua xong, họ lại ung dung bán ra cho những nhà đầu tư nhỏ, tuy cũng nhanh chân nhưng kém may mắn, và ăn chênh lệch.

Ngược lại, mỗi khi có tin xấu mà chưa được khẳng định (như lạm phát năm nay sẽ tăng hai con số), nhà đầu tư nhỏ sẽ phải nhanh chân nhảy trước vì sợ không kịp.

Bàn rằng:

Ở nước ta, chính các nhà đầu tư lớn mới có đặc quyền được lướt sóng, vì có quyền ưu tiên mua trần bán sàn dựa trên khối lượng một cách bất hợp lý.

Không như ở các nước, chẳng có giá trần hay giá sàn, ai thấy giá bao nhiêu mua được/bán được thì đặt, chẳng có sự phân biệt đối xử dẫn đến dao động thái quá kia.

Chính sách hạn chế dao động giá mới cộng với ưu tiên khớp giá trần/sàn theo khối lượng có thể dẫn đến thăng trầm hay khủng hoảng không đáng có. Cũng có thể người quyết định chính sách không có ý thiên vị, nhưng vì cơ chế sai lầm mà gây thiệt hại cho những nhà đầu tư nhỏ.

Nguyen An Nguyen

(Theo SGTT)