Tin đồn ông chủ tịch HĐQT một công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam bị cơ quan công an tạm giữ 3 ngày để thẩm vấn như một trái bom phát nổ trong thời gian qua.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tin đồn trên được tung ra. Lý do khiến vị chủ tịch này bị “giữ” cũng chính bởi sự quá “nổi tiếng” của công ty. Người ta nghi ngờ việc thao túng, làm giá thị trường chứng khoán, đầu cơ nội gián, thậm chí là những dấu hiệu rửa tiền cho nhiều đại gia từ Đông Âu đổ về đầu tư chứng khoán trong suốt thời gian qua qua tài “thao lược” của vị chủ tịch này.

Bởi vậy mà các công ty chứng khoán khác phải thầm ganh tỵ vì sự thịnh vượng quá sức của X. Trong khi thị trường chứng khoán đang eo xèo, lình xình, nhiều công ty chứng khoán bị lỗ nặng, phải hoạt động cầm chừng, thì với tài nghệ “cao cường” của vị chủ tịch này, công ty chứng khoán X... vẫn luôn thông báo lợi nhuận suất ngất trời.

Dịp cuối năm 2007 vừa qua, công ty đã trích ra vài ngàn tỷ đồng thưởng cho cán bộ, nhân viên. Cũng theo tin đồn liên quan đến việc “tạm giữ” vị chủ tịch này, một quan chức của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cũng bị thẩm vấn về việc “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý”.

Ngay sau khi tin đồn trên được tung ra, trên một tờ báo đã có bài viết về công ty chứng khoán K, với tài nghệ đi đêm siêu hạng của ông chủ tịch, khiến nhiều công ty đồng nghiệp thua trắng những bản hợp đồng lớn tưởng như họ đã cầm chắc trong tay. Lâu nay, ông chủ tịch này vẫn được biết đến là một người có tài “gọi mưa gọi gió” trên thị trường chứng khoán.

Nhiều người đã phải kinh ngạc về “khả năng” thẩm định giá của công ty K. Bởi cùng một công việc, ở công ty chứng khoán khác phải mất một tuần, thậm chí là 10 ngày mới xong, nếu mang sang K, chỉ cần hai ngày đã đâu vào đó. Nghe nói khách hàng của công ty chứng khoán K phần lớn là các đại gia lớn đang làm ăn tại Đông Âu, nơi mà trước kia ông chủ tịch đã có thời gian dài học và làm việc.

Mỗi khi K tìm được nguồn cung béo bở, các đại gia sẽ rót tiền về, mặc sức cho vị chủ tịch trổ tài... làm giá. Một trong những lần làm giá của K khiến nhiều người trầm trồ thán phục nhưng cũng không ít ganh tỵ, đó là việc K đã mua một lượng lớn cổ phiếu của công ty Z, chuyên kinh doanh gỗ, với giá rất mềm.

Tất nhiên, khi đó tên tuổi của công ty này cũng chưa được xếp vào hạng “hot” trên thị trường chứng khoán. Nắm cổ phiếu trong tay, việc của K là đánh bóng tên tuổi cho Z để đẩy giá cổ phiếu lên kịch trần rồi sẽ bán hết số cổ phiếu ra, thu hồi vốn, chia lại tiền cho các đại gia. Vụ này K đã thắng lớn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào “tầm nhìn xa” của các ông chủ tịch cũng hơn người. Nghe nói, đã có một “móng tay nhọn” chơi X một vố rất đau. Hiện X vẫn đang phải âm thầm khắc phục hậu họa của lần “thua trận vì... nội gián”. Cách đây chưa lâu, X đã bỏ ra một khoản tiền lên tới 110 triệu USD để mua cổ phiếu của một ngân hàng, mà theo nguồn tin rất đáng tin cậy của vị chủ tịch thì “chỉ còn 3 tháng nữa, 30% cổ phần của ngân hàng này sẽ được nắm giữ bởi một ngân hàng nước ngoài uy tín tầm cỡ thế giới.

Trước mắt sẽ là lễ ký kết chuyển nhượng 10% giữa hai ngân hàng. Thế là, nhờ tài ngoại giao của vị chủ tịch lắm mưu mẹo, X đã mua về 5 triệu USD mệnh giá cổ phiếu, với giá chênh lệch lên tới 22 lần (22 triệu/1 cổ phiếu). Ngay sau khi việc mua bán diễn ra, giá cổ phiếu của ngân hàng này đã nhảy lên tới 24-25 triệu/cổ phiếu trong vòng 1 tuần, nhờ vào tài đánh bóng tên tuổi từ X. Nhiều NĐT hay tin cũng đã dốc hết vốn liếng bám theo đại gia X, hy vọng sẽ kiếm tiền tỷ từ việc mua bán này.

Thế nhưng, giấc mơ “đi tắt đón đầu” của X và một số NĐT đã không thành hiện thực, khi mà thị trường chứng khoán tụt dốc suốt gần 6 tháng qua. Ngưỡng 700 điểm (thời gian trước đây) còn đang trên đà đi xuống thì lại thêm một tin sét đánh ngang tai “thỏa thuận mua bán giữa hai ngân hàng không thể đi đến ký kết”. Lập tức, giá 24 triệu/CP của ngân hàng Đ rơi không phanh xuống còn... gần 5 triệu đồng/CP (thời điểm hiện nay).

Ngậm đắng nuốt cay vì thông tin nội gián, X đã phải bỏ ra toàn bộ số tiền từ quỹ dự phòng rủi ro để bù vào khoản thâm thủng trên nhưng vẫn không đủ. Các NĐT thì hoảng hốt đến mức không dám rỉ tai nhau thông tin trên vì... sợ mất luôn phần vốn nhỏ nhoi còn lại sau thời kỳ đi xuống của chứng khoán!

Bình tĩnh, tìm hiểu kỹ thông tin khi nghe thấy tin đồn là thái độ cần thiết của các nhà đầu tư khôn ngoan.

(Theo CATP)