Một số người lo ngại về khả năng nhà đầu tư nước ngoài đang quy đổi vốn để rút khỏi thị trường chứng khoán.

Sự hoài nghi này xuất phát từ đà tăng mạnh của giá đồng USD so với VND trong tuần từ 24 - 28/3. Chỉ trong một tuần, giá USD đã tăng tới 3% trên thị trường tự do, tăng gần 2% trên thị trường ngân hàng.

Diễn biến trên gây bất ngờ lớn bởi chỉ trước đó chưa đầy một tháng, người dân và doanh nghiệp có USD vẫn gặp nhiều khó khăn khi bán ra, phải chấp nhận tỷ giá thấp…

Ngoài các nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu của doanh nghiệp, cân đối vốn của các ngân hàng, chủ trương mua vào của Ngân hàng Nhà nước…, có một tác động chưa xác định cụ thể là nhu cầu chuyển đổi từ VND sang USD của khối đầu tư nước ngoài có tăng lên?

Chính sự thiếu thông tin rõ ràng về việc xác minh tác động trên, nhiều nhà đầu tư chứng khoán lo ngại có biến động về nguồn vốn của khối đầu tư nước ngoài trên thị trường, bất lợi theo hướng rút ra.

Lo ngại trên có cơ sở khi thị trường chứng khoán Việt Nam ở trong đà suy thoái mạnh mẽ, trong khi đó một số so sánh cho rằng giá chứng khoán ở một số thị trường khác trong khu vực lại đang có sức hấp dẫn, môi trường kinh tế thuận lợi, dẫn đến khả năng có những quyết định thoái vốn, chuyển hướng…

Ngoài ra, những chính sách liên quan đến thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán vừa qua cũng có thể dẫn đến những lo ngại ở khối này. Rủi ro chính sách là một trong những điều “kiêng kỵ” trong thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Với những cơ sở trên, thị trường những ngày gần đây xuất hiện đồn đoán lo ngại về khả năng rút vốn của nhà đầu tư ngoại; theo đó, xu hướng phục hồi trong thời gian tới càng khó khăn, nếu không nói là sẽ có những biến động xấu.

Trước những lo ngại “mơ hồ” trên, chiều 28/3, Ủy ban Chứng khoán đã có thông tin trấn an nhà đầu tư.

Qua kiểm tra lại các thành viên lưu ký nước ngoài tại thời điểm báo cáo, Ủy ban Chứng khoán cho biết số dư đầu tư nước ngoài không thay đổi. “Nhu cầu mua ngoại tệ cho thị trường chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài về cơ bản không thay đổi và về cơ bản Ngân hàng Nhà nước đã đáp ứng được nhu cầu bán ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài”.

“Một số giao dịch ngoại hối chuyển khoản từ đồng Việt Nam sang ngoại tệ của một số ngân hàng là nhằm mục đích khác, không liên quan đến giao dịch chứng khoán”, Ủy ban Chứng khoán cho biết thêm.

Như vậy, trước mắt, với những thông tin ban đầu từ Ủy ban Chứng khoán, nhà đầu tư có thể bình tâm hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, khả năng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn để chuyển hướng sang các thị trường khác… vẫn là một cảnh báo được nhắc đến trong thời gian qua.

Hiện tại, cơ chế thu hút của Việt Nam thông thoáng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, nhưng lại không có những cam kết găm giữ theo những tỷ lệ nhất định như một số quốc gia khác. Một số đề xuất gần đây cho rằng Việt Nam có thể đưa ra một tỷ lệ dự trữ bắt buộc hợp lý, không quá lo ngại, để đề phòng tính huống xấu có thể xẩy ra, nhất là với những dòng vốn ngắn hạn.

Tất nhiên, Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam cũng đã có một điều khoản cần thiết. Điều 41 về “Các biện pháp đảm bảo an toàn” ghi rằng: “Khi xét thấy cần thiết, để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, Chính phủ được áp dụng các biện pháp sau đây: 1. Hạn chế việc mua, mang, chuyển, thanh toán đối với các giao dịch trên tài khoản vãng lai, tài khoản vốn; 2. Áp dụng các quy định về nghĩa vụ bán ngoại tệ của người cư trú là tổ chức; 3. Áp dụng các biện pháp kinh tế, tài chính, tiền tệ; 4. Các biện pháp khác”.

Đáng chú ý là trong các văn bản chính sách của Việt Nam vẫn thường thấy một độ mở tạo thuận lợi cho các ứng xử: “…Các biện pháp khác”.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, tính đến ngày 3/3/2008, đã có 600 tổ chức và 9.220 cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch. Trong năm 2007, ước tính có khoảng 7 tỷ USD lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

(Theo TBKTVN)