Thị trường vẫn đang được trông chờ vào các quỹ đầu tư và tổ chức, tuy nhiên hy vọng được ở các tổ chức này hay không lại là một vấn đề khác.

Để xác lập xu thế mới (xu thế đi lên) trên TTCK, điều quan trọng hiện nay vẫn là điều tiết cung cầu trên thị trường. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh phải ngưng ngay việc giải chấp cổ phiếu cầm cố trên TTCK, nhưng thị trường vẫn đang cần một lượng cầu rất lớn để phục hồi.

Nguồn cầu này đang được trông chờ vào các quỹ đầu tư và tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Trong quá khứ, khi thị trường giảm đến một ngưỡng nào đó (mức giá hợp lý) thì các quỹ đầu tư sẽ mua vào vì mục đích đầu tư của họ là dài hạn, kiếm lợi nhuận từ sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhưng có hy vọng được ở các tổ chức này hay không lại là một vấn đề khác.

Mua không chuyên nghiệp nên không còn tiền

Khi VN-Index chuyển động dưới mức 900 điểm, nhiều quỹ đầu tư cho rằng, cơ hội đầu tư đang bắt đầu. Nhưng trên thực tế, lượng tiền mặt trong các quỹ lại không còn bao nhiêu, vì đã mua vào cổ phiếu ở mức giá khá cao hoặc đã chuyển nguồn đầu tư sang lĩnh vực bất động sản.

Tại bản báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng (NAV) ngày 18/1/2008 của Quỹ Đầu tư tăng trưởng MANULIFE - MAFPF1, Công ty Quản lý Manulife Việt Nam đã giải trình về giá trị NAV như sau: tại thời điểm giải ngân vốn đầu tư (ngày 5/10/2007, VN-Index đạt 1.081,63 điểm) thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh, các khoản đầu tư của Quỹ chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường.

Do đó, trong điều kiện thị trường hiện nay, NAV của MAFPF1 sẽ phải giảm theo. Vì mua vào thời điểm giá cao nên hiện nay, giá trị NAV chỉ còn 7.000 đồng/CCQ, thấp hơn cả giá chào bán ban đầu (10.200 đồng/CP).

Có lẽ, năng lực đầu tư của một quỹ chuyên nghiệp chưa được MAFPF1 thể hiện tốt trong thời gian qua.

Ông Trần Quang Tuấn, nhà đầu tư tại sàn Agriseco cho biết, ở ngưỡng 1.081,63 điểm, hầu hết cổ phiếu trên thị trường đều có chỉ số P/E khá cao (dao động từ 30 - 40 lần), đối với nhà đầu tư cá nhân, việc mua vào cổ phiếu trong thời điểm đó là chuyện bình thường, do mua bán theo phản ứng dây chuyền.

Nhưng đối với các quỹ đầu tư, chủ yếu đầu tư theo giá trị doanh nghiệp thì thật là không hiểu được. Không biết có phải sau khi huy động vốn, các quỹ đầu tư phải giải ngân ngay hay là chiến lược đầu tư của Manulife Việt Nam là như vậy?

Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư của VFM, sau khi đóng quỹ, được UBCK cấp giấy phép hoạt động chính thức, việc đầu tư là do chiến lược của từng quỹ, quỹ có thể mua cổ phiếu bất cứ thời điểm nào mà thấy phù hợp.

Bản chất của các quỹ thường là đầu tư trung và dài hạn, nên ít bán ra khi thị trường đi xuống. Vì lẽ đó, mà lượng tiền mặt giữ lại trong các quỹ thường rất ít, nhiều quỹ dùng lượng tiền này để mua trái phiếu.

Vào thời điểm cuối năm 2006, nhiều quỹ mới đã tham gia mua cổ phiếu ở mức giá khá cao, nên khả năng không còn tiền mặt nhiều để có thể mua khi giá cổ phiếu ở mức hấp dẫn như hiện nay. Ngay cả những quỹ mới huy động như VFMVF1 hay có nguồn từ bảo hiểm như PRUBF1 đang có lượng tiền mặt lớn, họ cũng chưa "tham chiến".

Có tiền nhưng cũng chưa vội mua vào!

Tại buổi họp mặt các quỹ đầu tư trong và ngoài nước tại HOSE, đại diện nhiều quỹ đầu tư cho rằng, VN-Index dao động ở mức 500 - 600 điểm là cơ hội "ngàn năm có một" trong việc đầu tư cổ phiếu.

Các quỹ VFMVF1, PRUBF1… đã đưa ra con số tiền mặt khá lớn đang nắm giữ để chứng minh, tiền của họ đang trong tư thế sẵn sàng mua cổ phiếu. Nhưng trên thực tế, họ vẫn chưa mua vào.

Đại diện một quỹ đầu tư cho rằng, họ không có gì phải vội vàng, khi lượng bán ra của các tổ chức cầm cố chứng khoán còn rất lớn.

Nếu như trước đây, nhiều tổ chức tín dụng cho vay cầm cố chỉ tính trên mệnh giá của cổ phiếu (10.000 đồng/CP) thì trong thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán kết hợp với ngân hàng đã cho vay ở mức 30 - 50% thị giá cổ phiếu tại thời điểm vay.

Vì lẽ đó mà trong thời điểm thị trường rớt đến 60 - 70%, dù thế nào các “chủ nợ” cũng phải bán tháo cổ phiếu để thu hồi vốn.

Mấy phiên giao dịch gần đây cho thấy, tổ chức đầu tư vẫn chưa mua vào hoặc có mua vào nhưng rất ít. Nhìn bảng điện tử, bắt đầu từ phiên giao dịch khớp lệnh liên tục, với bên mua gần như trống trơn, khối lượng giao dịch thấp cho thấy, họ vẫn đang tiếp tục chờ đợi.

Một mình SCIC không đủ năng lực để thay đổi xu thế thị trường, quỹ đầu tư chờ đợi, các tổ chức đầu tư chờ đợi và có lẽ chỉ có nhà đầu tư cá nhân "bản lĩnh" đang mua vào.

Đâu là mức đáy của giá cổ phiếu, chỉ có những "phù thủy" chứng khoán mới nói được. Để có thể làm cho giá cổ phiếu dừng lại và phục hồi, thị trường biết trông chờ vào ai đây?

(Theo DTCK)