Chứng khoán Việt Nam đang đón một tuần mới với một sự lạc quan rộng rãi trong giới đầu tư, với nhiều nhân tố hỗ trợ tích cực.

Thông tin mới nhất là việc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín Sacombank (mã chứng khoán: STB) vừa cho biết, đầu tháng 4/2008 Sacombank mua lại 3-5% vốn điều lệ.

Sacombank đã gửi văn bản lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước đề nghị cho phép Sacombank mua lại cổ phiếu STB tương ứng 3-5% vốn điều lệ, đồng thời kiến nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước không nên xem động thái này như việc mua cổ phiếu quỹ bình thường, mà đây là biện pháp ổn định thị trường để không ảnh hưởng kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2008 của Sacombank.

Cùng lúc, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (mã chứng khoán: SSI) thông báo về giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn của công ty là Australia and New Zealand Banking Group LTD (ANZ).

Theo đó, ANZ đã đăng ký mua 3.416.700 cổ phiếu của SSI trong vòng 2 tháng kể từ ngày 1/4/2008, thực hiện theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh.

Mới đây ông Nguyễn Mạnh Hùng là em trai ông Nguyễn Duy Hưng cũng đã đăng ký mua 100.000 cổ phiếu, và đồng thời công ty cũng công bố sẽ mua lại 1 triệu cổ phiếu để thưởng cho nhân viên.

Trước đó, hàng loạt thông báo cho hay các đại gia đang mua vào cổ phiếu, chẳng hạn PVFC đăng ký mua tiếp 1 triệu cổ phiếu PVS và đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu PVI hay CDC đăng ký mua lại 100.000 cổ phiếu từ 7/4... đều được đánh giá là những động thái tích cực, có tác dụng hỗ trợ thị trường nhằm ổn định giá.

Trong lúc này, nhiều tín hiệu tốt lành cũng tới từ các nhân tố vĩ mô.

Trong bài phát biểu cuối tháng 3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định những quyết sách mà Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhằm kiểm soát thị trường tiền tệ trong thời gian vừa qua đều có hiệu ứng tốt.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nêu rõ các công cụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước như chính sách tỷ giá, lãi suất, nâng dự trữ bắt buộc, nâng tỷ giá, đều đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được biến động của thị trường.

Trong khi đó, đại diện cao nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng cơ sở của nền kinh tế Việt Nam rất tốt, do đó với những nỗ lực mà chính phủ Việt Nam đang thực hiện, Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát.

Theo Giám đốc quốc gia WB Ajay Chhibber thì Chính phủ Việt Nam đã công bố một loạt các giải pháp và WB hy vọng với những biện pháp này, Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp như thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt; tăng thu ngân sách và thắt chặt chi tiêu công; tăng cường quản lý thị trường giá cả; đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu; và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo.

Theo ông Chhibber, yếu tố lành mạnh của nền kinh tế Việt Nam thể hiện ở chỗ Việt Nam hiện là một trong những nhà xuất khẩu hàng hóa của thế giới. Ông giải thích rằng một mặt, giá hàng hóa thế giới tăng dẫn tới tình trạng lạm phát trong nước trở nên nghiêm trọng hơn, mặt khác giá hàng hóa tăng lại mang lại lợi thế cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam.

Đại diện WB đưa ra dự đoán rằng đến cuối năm 2008, Việt Nam sẽ không khác với các nước khác trên thế giới, đó là phải đối mặt với lạm phát có thể sẽ cao hơn và tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn một chút.

Với nhiều nhân tố hỗ trợ tích cực như trên, giới đầu tư đang có một tâm trạng khá lạc quan.

"Với những nhân tố hỗ trợ tích cực đó nên có thể coi mức 496 là mức đáy chắc chắn. Ngay cả trong trường hợp xấu, lạm phát, thị trường thế giới chưa được cải thiện thì việc xuống sâu quá mức 496 cũng không nhiều. Trong điều kiện thị trường không thể xuống hơn như vậy nên có lẽ các NĐT tổ chức và các đại gia đã tham gia, qua đó càng hỗ trợ giúp thị trường đã và đang đi lên rõ rệt", một nhà đầu tư tên K.N.D tại Hà Nội cho biết.

(Theo VietnamNet)