Bảo vệ TTCK trước nguy cơ suy giảm trầm trọng là việc cần phải làm mặc dù biện pháp đấy có thể phải trả giá không rẻ.

Quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng về việc các ngân hàng ngừng giải chấp chứng khoán.

Đánh giá của ông về biện pháp ngừng giải chấp chứng khoán của các ngân hàng thương mại?

Trong nhiều biện pháp gần đây Chính phủ áp dụng để cứu vớt thị trường chứng khoán, giảm biên độ và ngừng giải chấp là hai biện pháp rất tốt.

Khi các ngân hàng thương mại đồng loạt giải chấp sẽ rất nguy hiểm vì thất thoát của các nhà đầu tư có thể rất lớn, lòng tin của các nhà đầu tư sẽ hao hụt rất nhiều. Nếu Chính phủ và các ngân hàng thương mại không có biện pháp hỗ trợ thì tâm lý sụp đổ sẽ lan rộng sang khu vực tiền gửi tiết kiệm.

Kinh nghiệm của Hồng Kông cho thấy, khi thị trường chứng khoán xuống dốc và dân chúng đã mất lòng tin vào hệ thống tài chính thì nhiều người dân và cả doanh nghiệp đến ngân hàng để rút tiền, lúc đấy khó khăn của hệ thống ngân hàng sẽ càng lớn hơn.

Ngân hàng Nhà nước nên hỗ trợ gì để các ngân hàng thương mại ngừng giải chấp nhưng vẫn đảm bảo tính thanh khoản?

Từ trước đến nay, ngân hàng “chịu tiếng” là cho vay kinh doanh chứng khoán nhiều nhưng thực ra khối lượng không phải là lớn.

Thời điểm cao nhất tổng số tiền cho vay kinh doanh chứng khoán là khoảng 20 nghìn tỷ, chỉ chiếm khoảng 1% tổng tài sản của ngành ngân hàng Việt Nam. Hiện nay, con số này chỉ khoảng 9-10 nghìn tỷ, bằng khoảng 0,5% tổng tài sản.

Vì vậy, việc ngừng giải chấp không gây ảnh hưởng ghê gớm đến tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Với chất lượng tài sản cao như vậy, các ngân hàng thương mại có thể chịu đựng được trong hoàn cảnh hiện nay để ngừng giải chấp cho thị trường chứng khoán.

Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước đàm phán với từng ngân hàng thương mại để ngừng giải chấp cổ phiếu. Trong mấy ngày vừa qua, các ngân hàng dường như rất tự giác để thực hiện điều đó. Các ngân hàng cảm nhận được, nếu Chính phủ can thiệp mạnh mẽ thì thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng trở lại và cổ phiếu sẽ không bị giảm giá nghiêm trọng. Vì vậy, về dài hạn, tính thanh khoản của họ sẽ không gặp khó khăn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có Chỉ thị, trong trường hợp ngân hàng thương mại nào đó ngừng giải chấp mà gặp khó khăn về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách cho chiết khấu các chứng từ có giá với lãi suất được Chính phủ ấn định vào khoảng 8-9%. Đây là một mức lãi suất rất bình thường trên thị trường ngân hàng.

Việc can thiệp hành chính để cứu thị trường như vậy có tạo tiền lệ xấu và đi ngược lại quy luật kinh tế thị trường không, thưa ông?

Trong một số trường hợp, nếu chúng ta làm bài bản hơn, chính xác hơn thì có thể không cần phải can thiệp hành chính như bây giờ. Tuy nhiên, khả năng nghiên cứu, dự báo về tình hình thị trường tài chính của Việt Nam là rất kém. Các chính sách do các bộ, ngành đưa ra cũng dựa trên những hệ thống thông tin có độ chuẩn xác chưa cao, nên hiệu quả của chính sách nhiều khi không như mong đợi.

Trong nhiều trường hợp, thị trường đang tự điều chỉnh lại chịu thêm sức ép điều chỉnh hành chính, dẫn đến biên độ dao động của chính sách quá lớn.

Liệu gói giải pháp của Chính phủ có đủ sức vực dậy thị trường khi “vết dầu” của khủng hoảng tài chính quốc tế đang lan rộng?

Tôi đang thấy có xu hướng các nhà đầu tư bên ngoài chuyển vốn vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài có rất nhiều bài toán để tính toán. Họ có thể “ôm” lấy số cổ phiếu đang bị giải chấp với giá quá rẻ, đấy là cơ hội đầu tư chiến lược vô cùng “hời”.

Ngoài ra, họ cũng có thể mua cổ phiếu, rồi lại bán ra và chuyển sang mua trái phiếu chính phủ, là loại chứng khoán có rủi ro cực thấp mà lãi suất đang ở mức cao so với ở nước ngoài. Hoặc những nhà đầu tư chiến lược có thể hướng đến cổ phiếu của những ngành được cho là quan trọng.

Đồng thời, nếu gói biện pháp của Chính phủ có khả năng giữ và duy trì thị trường được một thời gian nhất định thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có tâm lý tốt hơn về thị trường và sẽ tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn. Nhờ đó, thị trường sẽ có nền tảng tương đối vững chắc để phục hồi. Lúc bấy giờ, sức ép thanh khoản của các ngân hàng thương mại sẽ giãn ra.

Trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta chưa thể lượng hóa được những trục trặc lớn có thể xảy ra từ bên ngoài, bảo vệ thị trường chứng khoán trước nguy cơ suy giảm trầm trọng cũng là việc cần phải làm mặc dù biện pháp đấy có thể phải trả giá không rẻ.

(Theo CafeF)